Sách giáo khoa - tài liệu học tập, tham khảo: Cải cách giáo dục - vấn đề không phải ở sách giáo khoa

16:29 - Thứ Năm, 31/08/2023 Lượt xem: 5573 In bài viết

Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam sôi nổi với hàng loạt cải cách, đổi mới từ sách giáo khoa (SGK) đến phương pháp giảng dạy, thi cử... Thế nhưng, kết quả thu về không được như mong đợi của nhiều người, nhất là những người làm trong ngành giáo dục.

Thầy trò Trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8, TPHCM trò chuyện làm quen trong ngày tựu trường.

Trước kia, Bộ GD-ĐT chủ trương xã hội hóa SGK nên đã có nhiều bộ sách ra đời, tiêu biểu phải kể đến các bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống... Những ngày gần đây, bộ, ngành lấy ý kiến về một bộ SGK chuẩn cho cả nước, tạo nên nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Bởi lẽ, nếu có một bộ sách chuẩn cho cả nước thì chắc chắn các trường sẽ chọn bộ này, đồng nghĩa với việc khai tử các bộ sách trước đó. Vậy là bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ sông đổ bể.

Qua thực tế giảng dạy, việc có nhiều bộ SGK đã phát sinh nhiều vấn đề như: cạnh tranh “bằng mặt không bằng lòng” giữa các nhà xuất bản, giáo viên “dở khóc dở cười” khi chọn sách. Tôi đã nghiên cứu qua các bộ sách và thấy nhiều đơn vị kiến thức tương đương trình độ đại học được đưa xuống chương trình phổ thông khiến giáo viên và học sinh khó “tiêu hóa” kiến thức mang tính hàn lâm trong một số tiết học nhất định. Nguyên nhân dễ thấy nhất là do đội ngũ tham gia biên soạn SGK hầu hết là tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy ở bậc đại học, không thấy giáo viên phổ thông. Vì vậy, nhiều kiến thức xa rời thực tế, không phù hợp mặt bằng chung về tri thức tiếp nhận, tâm lý lứa tuổi học sinh, độ chênh giữa các vùng miền. Học sinh không chỉ học một hoặc hai môn mà là gần 10 môn học; trong đó, môn nào cũng có lượng kiến thức khổng lồ thì bảo sao không quá tải, áp lực, khiến dạy và học đôi lúc rơi vào cảnh “cưỡi ngựa xem hoa”.

Việc chăm chú quá mức vào SGK với mong muốn cải cách giáo dục là không cần thiết. Quan trọng vẫn là thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức ra đề kiểm tra, thi cử theo hướng người học phải bày tỏ được quan điểm, chính kiến của mình trước các vấn đề xã hội với những bằng chứng, lý lẽ thuyết phục, tăng cường tính phản biện, khả năng tư duy. Thay đổi như vậy sẽ phân hóa được học sinh và tạo hứng thú đứng lớp với phần lớn bộ phận giáo viên.

Theo tôi, vấn đề cốt lõi của cải cách giáo dục không nằm ở SGK mà ở chuyện kiểm tra, thi cử, nhất là các phân môn thuộc khối xã hội. Chỉ cần thay đổi cách ra đề, học sinh không cần thuộc lòng, “học tủ” thì giáo viên sẽ điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp yêu cầu của kiểu đề mới. Thêm vào đó, chương trình cần giảm tải số lượng các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ để giáo viên có nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Những năm gần đây, dư luận bàn nhiều về SGK, đặc biệt là các môn tích hợp. Hiện nay, ở cấp THCS có hai đầu sách tích hợp là Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Đây là hai đầu sách tích hợp kiến thức theo kiểu “văn sử triết bất phân”. Điều này đi ngược lại với lý thuyết khoa học hiện đại là tách bạch các phạm trù khoa học ra từng bộ phận riêng biệt để có cái nhìn chuyên sâu. Trong đó, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là những phạm trù độc lập, dẫu chúng có nhiều điểm giao thoa, liên đới nhưng không thể gom chung thành một cuốn sách như cách chúng ta đang làm. Nếu nhìn vào mục lục của sách tích hợp, dễ nhận thấy sách vẫn có sự tách biệt theo từng chủ đề, môn học, ít điểm tích hợp kiến thức của các liên môn ấy.

Trong thực tế giảng dạy, ban giám hiệu các trường khi xếp thời khóa biểu phải đau đầu trước hai phương án: một là xếp một giáo viên dạy cả Lịch sử và Địa lý, cả môn Khoa học tự nhiên; hai là chia nhỏ theo từng phân môn như cũ để giáo viên dạy đúng chuyên môn đảm trách. Mỗi trường làm một cách, không có chuẩn chung trong cả nước. Đối với giáo viên, trước đây môn nào ra môn đó theo chuyên môn được đào tạo nên thầy, cô giáo cứ theo phân phối chương trình mà dạy. Nhưng hiện nay, muốn dạy được môn tích hợp, giáo viên Lịch sử phải nghiên cứu và soạn giáo án môn Địa lý, giáo viên Vật lý phải nghiên cứu cả Hóa học, Sinh học và ngược lại. Tôi cho rằng, giáo viên cố gắng nghiên cứu sẽ dạy được nhưng dạy đúng, dạy hay, dạy hứng thú hay không thì không dám chắc.

Nhìn từ phía học sinh, khi học môn tích hợp, các môn học chồng chéo, đan xen nhau. Kiến thức thì cao siêu, nặng nề nhưng rời rạc, thiếu tính liên kết, liền mạch như sách cũ. Đó là chưa nói tới khi lên THPT, những môn tích hợp lại được tách ra từng phân môn cụ thể. Như vậy, các em phải học lại từ đầu và tiếp tục hoang mang.

Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ nhà giáo cả nước vào giữa tháng 8-2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xem xét lại vấn đề sách tích hợp. Vấn đề là việc xem xét ấy kéo dài bao lâu, ngày tháng nào mới có quyết định chính thức?

Người học thay đổi quan niệm về sách giáo khoa

Con tôi năm nay học lớp 11, cũng là năm thứ hai học SGK theo chương trình mới. Năm ngoái, việc mua SGK đầu năm học gặp nhiều khó khăn, đến giữa tháng 9 cả lớp mới có đủ sách ở các môn học. Tuy nhiên, việc học của các con không hề bị gián đoạn do giáo viên chủ động in tài liệu học tập dùng chung cho cả lớp, hướng dẫn học sinh các đường dẫn tra cứu thêm kiến thức giúp việc dạy và học vẫn diễn ra đúng tiến độ. Sau đó, khi cả lớp đã có đủ SGK, thầy và trò vẫn duy trì phiếu học tập riêng của lớp. Nhiều học sinh cho biết, kiến thức trong phiếu học tập được cô đọng, dễ hiểu, không dàn trải như trong SGK.

Với kinh nghiệm từ năm học trước, năm nay phụ huynh chúng tôi không quá sốt ruột nếu không may con em mình chưa có đủ bộ SGK. Thực tế cho thấy, các em hoàn toàn có thể theo kịp chương trình thông qua phiếu học tập của giáo viên.

Như vậy, để tránh tình trạng phụ huynh, học sinh vất vả vì SGK mỗi đầu năm học, tôi nghĩ các nhà trường cần tăng cường truyền thông, giúp phụ huynh và học sinh hiểu đúng, đầy đủ vai trò của SGK khi triển khai chương trình mới. Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh học sinh phải thường xuyên trao đổi, thống nhất phương pháp học tập từ đầu năm học nhằm giúp học sinh có định hướng xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng, tránh việc tốn quá nhiều tiền mua các tài liệu học tập không cần thiết như sách bài tập, sách tham khảo...

VŨ MINH HUY

(Phụ huynh có con học tại Trường THPT Trần Văn Giàu,

quận Bình Thạnh, TPHCM)


Mong sách giáo khoa được ổn định!

Đổi mới giáo dục phổ thông đang rất khó khăn. Không chỉ đổi mới khung chương trình phổ thông theo đúng hướng căn bản, toàn diện, mà còn thể hiện qua SGK. Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt lắng nghe ý kiến, thẩm định nội dung các bộ sách, thậm chí lấy ý kiến của giáo viên, khuyến khích chọn lựa bộ sách phù hợp để giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất dữ liệu, nội dung, phương thức truyền đạt kiến thức của các bộ SGK để mọi học sinh đều có thể hiểu, cập nhật kiến thức tương đương.

Kể từ khi xã hội hóa SGK với phương châm “1 chương trình, nhiều SGK”, phụ huynh rất lo lắng. Bởi lẽ, sách năm trước không sử dụng cho năm sau. Mỗi trường chọn SGK riêng. Và, mua SGK thì phải mua trọn bộ. Trong đó có sách bài tập hay sách dùng cho giáo viên, học sinh nâng cao kiến thức môn học. Thương cho các em, học trong SGK còn không đủ giờ học, lấy thời gian đâu mà nâng cao kiến thức hay làm bài tập thêm. Nhưng, trọn bộ SGK thì phải mua. Cuối năm nhiều cuốn sách còn mới cứng. Thật là lãng phí!

Do vậy, tôi chắc một điều rằng, các bậc phụ huynh có con đang học phổ thông đều mong mỏi SGK được ổn định. Ai đó bảo rằng xã hội hóa SGK để chống độc quyền. Độc quyền hay không thì chưa thấy rõ lắm, nhưng kể từ khi xã hội hóa thì giá cả rất cao do “giấy tốt, in đẹp”. Đó là chưa tính chi phí hoa hồng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng - các bậc phụ huynh!

Ông NGUYỄN TUẤN,

phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top