Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không thể “tay không bắt chip” khi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

10:54 - Thứ Năm, 02/11/2023 Lượt xem: 4437 In bài viết

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn rất lớn trong thời gian tới. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi tốn kém chi phí đào tạo, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Do đó không thể "tay không bắt chip” được mà phải có sự đầu tư rất lớn.

Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 

Giải trình trước Quốc hội về chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là ngành mới và là thách thức, trọng trách, sứ mệnh của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình.

Dự báo nhu cầu thời gian tới cần từ 50.000 đến 100.000 nhân lực trong lĩnh vực này. Trong đó, có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau. Hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay, có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình trước Quốc hội. 

Ngoài ra, các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn.

“Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 sinh viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra”, Bộ trưởng thông tin.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này. Bởi theo Bộ trưởng, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi tốn kém chi phí từ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Do đó không thể "tay không bắt chip” được.

Không có nguồn để tuyển giáo viên

Về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển giáo viên cho các tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê, các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, ở một số địa phương, không có nguồn để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc này cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành GD-ĐT.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 1-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài ra, về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục… Đây là sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.

Về tài chính chi cho đổi mới giáo dục, con số đưa ra 213.449 tỷ đồng gồm tính cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. “Con số chi cho trực tiếp đổi mới giáo dục, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới, thẩm định sách giáo khoa… tổng chi phí khoảng 395 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.

Về việc soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. “Khi chu trình đổi mới sách giáo khoa hoàn tất thì có đánh giá sâu, đề ra phương án với Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top