Có cần biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa?

10:52 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 6236 In bài viết

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc này là cần thiết, nhưng cũng có ý kiến lo lắng khi Bộ GD-ĐT biên soạn thêm một bộ sách sẽ dẫn đến việc quay về một bộ sách như trước đây.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD-ĐT cần phải biên soạn một bộ SGK để Nhà nước hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống, bảo đảm việc đến đầu năm học mới có SGK cho học sinh và bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước đối với việc này. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp).

“Việc xã hội hóa SGK dẫn tới giá SGK cao và Nhà nước không kiểm soát được. Chúng ta không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa SGK. Thực tế cho thấy, ở nhiều lĩnh vực, sản phẩm khi xã hội hóa thì giá cả đều hạ, riêng đối với SGK, càng xã hội hóa giá cả lại càng tăng, đây là nghịch lý và không có căn cứ để bảo đảm rằng SGK tiếp tục không tăng giá. Điều này trái với điểm d khoản 7 Điều 1 Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội là bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân. Chúng ta cần xem xét lại vấn đề này”, đại biểu Trần Văn Sáu nêu quan điểm.

Thực tế giá sách giáo khoa cao hơn khi được xã hội hóa.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK sẽ dẫn đến độc quyền, quay về một bộ sách như trước đây vì các trường sẽ chọn sách của Bộ GD-ĐT để bảo đảm an toàn. Phân tích về chủ trương xã hội hóa SGK, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điểm cốt lõi hướng đến là nhằm xóa bỏ tư duy phụ thuộc vào sách trong giáo dục, hướng tới giáo viên có thể chủ động lựa chọn tài liệu dạy học phù hợp với năng lực dạy của bản thân và trình độ của học sinh, miễn các em đạt mục tiêu chương trình giáo dục đề ra.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: "Hiện nay, nhận thức của xã hội về vấn đề này vẫn chưa thật đầy đủ, trình độ giáo viên ở một số môn học mới còn hạn chế. Do đó, nếu Bộ GD-ĐT biên soạn thời điểm này, tôi chắc chắn chúng ta lại quay trở lại một bộ SGK”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) cho rằng, thay đổi một chính sách lớn giữa chừng là việc cần có thời gian để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn thận. “Tôi cho rằng, thay vì tổ chức biên soạn một bộ SGK, Bộ GD-ĐT nên tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu và nghiêm túc triển khai phương án để giáo viên thực sự được chọn sách phù hợp với năng lực, phương pháp giảng dạy của mình và trình độ của học sinh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong một đến hai năm tới, khi chu trình đổi mới được hoàn tất, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội về vấn đề biên soạn sách.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top