Nhiều hệ lụy từ việc chọn sai ngành học

09:22 - Thứ Tư, 17/07/2024 Lượt xem: 4463 In bài viết

Với sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới; nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề cũng đã thay đổi trong nhiều năm qua khiến câu chuyện chọn trường nào, ngành học nào cho phù hợp đã trở thành nỗi băn khoăn của hầu hết học sinh vừa tốt nghiệp THPT.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng thì hiện vẫn có một bộ phận học sinh còn lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính, theo phong trào hoặc thực dụng theo kiểu chọn trường phù hợp với điểm thi, tức kiếm đại một chỗ để học đại học mà bỏ qua những yếu tố quan trọng khác.

Việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân khiến tình trạng sinh viên kêu than "ngồi nhầm chỗ" sau mỗi mùa tuyển sinh đã không còn là chuyện lạ. Khi đó, các em rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì nghỉ học thì dở dang, tốn kém, lãng phí cả về tiền bạc, thời gian và cơ hội mà học tiếp cũng không xong vì không có động lực, không đủ điều kiện hoặc bản thân không đáp ứng được yêu cầu của ngành học…

Thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn trường, chọn ngành. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, một số sai lầm phổ biến của các bạn học sinh khi chọn ngành hiện nay là chọn ngành nghề theo phong trào, theo hot trend mà nhiều khi không quan tâm đến việc nó có phù hợp với năng lực sở thích của bản thân hay không. Cũng có những học sinh chọn trường hoàn toàn theo định hướng của gia đình hoặc theo ý thích của bố mẹ. Chẳng hạn, bố mẹ làm giáo viên thì định hướng cho con vào sư phạm, bố mẹ làm bác sĩ thì cho con học ngành y, bố mẹ làm ngân hàng thì cho con học tài chính-ngân hàng để “nối gót” nghề nghiệp của mình.

Đành rằng, với việc học nghề theo định hướng của cha mẹ, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu những công việc ấy hoàn toàn không phù hợp với sở trường, không khiến các em say mê, yêu thích thì sẽ khó đạt được thành tựu trong quá trình làm việc. Đó là chưa muốn nói đến việc nhiều em sau một thời gian không tìm thấy niềm vui trong công việc, phải chuyển nghề dẫn đến việc lãng phí tiền bạc, thời gian, cơ hội.

Đặc biệt, những năm gần đây còn xuất hiện xu hướng thí sinh chọn vào những trường, ngành học phù hợp với điểm thi của mình, nghĩa là chọn đại một chỗ học đại học mà không quan tâm đến việc ngành học đó có phù hợp với mình hay không. Hệ quả của việc lựa chọn ít nhiều mang tính thực dụng này là nhiều học sinh đã rơi vào trạng thái chán nản, không tìm thấy niềm vui, sự say mê với nghề nghiệp tương lai; một số em cố học cho xong 4 năm đại học, một số em khác thì quyết định “làm lại từ đầu” bằng cách xét tuyển vào những ngành học khác phù hợp với năng lực của mình hơn.

Ngoài ra, cũng có hiện tượng học sinh chỉ định hướng vào trường với suy nghĩ chỉ cần vào các trường top trên, trường danh tiếng là sẽ thành công, dễ xin việc mà quên mất rằng, chọn ngành học còn quan trọng hơn chọn trường vì trường mình chỉ học 4-5 năm còn ngành học sẽ theo mình đến hết cuộc đời…

Khẳng định việc lựa chọn sai ngành học sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy song PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lưu ý thí sinh cần hết sức thận trọng và có trách nhiệm với bản thân hơn khi chọn lại.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong trường hợp nếu các em đã lựa chọn một ngành học và cảm thấy không thích hợp, trước hết cần phải xác định chính xác lý do khiến mình cảm thấy không phù hợp là do tính cách, năng lực hay chỉ là do bản thân thiếu kiên nhẫn, ngại khó và né tránh những vấn đề tâm lý khác thì mới có hướng giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, cũng phải xác định rõ, điều mình thực sự muốn và năng lực thực sự đáp ứng cho nghề nghiệp sau này là gì? Từ đó, hãy trao đổi cụ thể với cha mẹ, những người thân gần gũi có nhiều trải nghiệm để tìm ra những con đường chuyển đổi ngành học, học song bằng hay những giải pháp khác đỡ tốn kém và đảm bảo hiệu quả. Trong trường hợp nếu các em vẫn chưa thực sự chắc chắn về lựa chọn khác của mình thì hãy tiếp tục đi theo những gì đã lựa chọn trước đó nhưng phải tranh thủ trau dồi thêm những kỹ năng mềm, những năng lực sáng tạo đổi mới, năng lực lãnh đạo, thích ứng và công nghệ để có thể sẵn sàng làm được nhiều vị trí công việc. Cho đến khi nào các em chắc chắn về con đường phía trước thì mới chuyển sang ngành học khác phù hợp với sở thích và năng lực bản thân để tránh tình trạng “chọn sai đến 2 lần”.

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, chúng ta rất khó để hình dung được tương lai 10 năm 20 năm sau như thế nào. Có thể ngành nghề các bạn chọn hôm nay rất phù hợp nhưng sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai nữa và trong tương lai, chúng ta cũng có thể sẽ làm nhiều nghề và thay đổi nghề nghiệp sau mỗi chu kỳ 5-10 năm. Vì thế, mỗi cá nhân đều phải có năng lực thích ứng linh hoạt với sự thay đổi nghề nghiệp, xác định việc học tập là suốt đời; phải tự rà soát, điều chỉnh mục tiêu của mình để cập nhật thêm những năng lực mới, kỹ năng sử dụng công nghệ mới nhằm tăng giá trị của bản thân để mình không bị lỗi thời và hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cũng cho rằng, việc chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân quyết định thành bại của cả sự nghiệp sau này. Do vậy, khi chọn nghề, trước hết thí sinh phải chọn cho mình một trong những ngành mà mình yêu thích nhất và phải phù hợp với khả năng học tập.

Đơn cử như nếu muốn vào các ngành Khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật, y sinh và kinh tế thì các em phải học tốt các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ. Còn đối với các ngành Khoa học xã hội, các em phải giỏi môn Ngữ văn, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Các em có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó thì có thể chọn vào các ngành có môn thi năng khiếu phù hợp.

Tiếp theo, thí sinh mới chọn đến trường có các ngành nghề mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực cá nhân theo nguyên tắc “nghề, ngành, trường”, tức chọn nghề, chọn ngành trước rồi mới chọn trường sau. Trong đó, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn và nhu cầu thị trường lao động sau 4-5 tới.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top