Xác định môn thi thứ ba trong kỳ thi vào lớp 10: Vẫn còn trăn trở!

14:27 - Thứ Sáu, 01/11/2024 Lượt xem: 3345 In bài viết

Năm học 2024-2025 là năm khép kín của chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông lần đầu tiên thực hiện theo chương trình mới.

Để các địa phương, nhà trường và học sinh có căn cứ chuẩn bị, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong đó, việc đề xuất thống nhất trên toàn quốc 3 môn thi vào lớp 10 gồm toán và ngữ văn, môn thi thứ ba thay đổi hằng năm đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các nhà trường, phụ huynh học sinh.

Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Ba phương thức tuyển sinh lớp 10

Theo dự thảo thông tư ban hành quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 18-10, địa phương lựa chọn một trong ba phương thức tuyển sinh lớp 10, gồm xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Trong đó, với phương thức xét tuyển thì căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện các năm cấp trung học cơ sở của học sinh. Với phương thức thi tuyển là căn cứ kết quả thi tuyển các môn theo quy định. Phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp trung học cơ sở kết hợp với điểm thi các môn.

Với thi tuyển - phương thức được nhiều địa phương áp dụng hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến quy định thực hiện thống nhất với 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và một môn thứ ba hoặc bài thi tổ hợp. Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở giáo dục và đào tạo chọn trong số các môn học đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, công bố trước ngày 31-3 hằng năm. Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9. Thời gian làm bài thi ngữ văn là 120 phút; môn toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút, nếu là bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.

Với kỳ thi vào lớp 10 chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phương án sử dụng kết quả 3 môn thi và thêm một môn thi chuyên (thời gian làm bài 150 phút). Mỗi môn chuyên có một đề thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, nội dung phù hợp, bảo đảm lựa chọn được học sinh có năng khiếu.

Điểm khác biệt quan trọng trong dự thảo quy chế tuyển sinh mới so với quy chế hiện hành là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất về phương thức, số môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông cũng như thời lượng thi từng môn, giúp học sinh, giáo viên chủ động chuẩn bị nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới.

Xác định môn thi thứ ba thế nào?

So với dự thảo công bố đầu tháng 10-2024, dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh cách thức xác định môn thi thứ ba vào lớp 10 từ bốc thăm sang giao quyền cho sở giáo dục và đào tạo xác định. Dư luận xã hội bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần lắng nghe, cầu thị của ban soạn thảo, đồng thời cho rằng, việc quy định thống nhất 3 môn thi tuyển vào lớp 10 sẽ tránh được tình trạng mỗi nơi quy định một kiểu như hiện nay. Tuy nhiên, việc xác định môn thi thứ ba thế nào đang thu hút sự quan tâm.

Thực tế, những năm qua có tình trạng mỗi nơi chốt số lượng môn thi vào lớp 10 khác nhau, có nơi tổ chức thi 2 môn, có nơi thi 3 môn, thậm chí có nơi thi 4 môn. Tại Hà Nội, những năm trước đây quy định kỳ thi tuyển sinh lớp 10 gồm 4 môn thi, trong đó cố định 3 môn là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; môn thi thứ tư công bố vào tháng ba hằng năm. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm giảm tải cho học sinh, thành phố chỉ tổ chức 3 môn thi. Tuy nhiên, do không có quy định về số môn thi nên dường như năm nào, cứ vào giữa học kỳ I, học sinh và phụ huynh đều lo lắng khi thành phố chưa chốt số môn thi.

Góp ý vào dự thảo, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Nguyễn Xuân Khang cho rằng, số môn thi vào lớp 10 có thể là 2 môn (toán và ngữ văn) hoặc 3 môn (toán, ngữ văn và ngoại ngữ). Môn thứ ba là ngoại ngữ bởi đây là một trong 8 môn học bắt buộc của học sinh ở cấp trung học phổ thông. Thời gian tới, nếu môn tiếng Anh được quy định là ngoại ngữ 1, là môn học bắt buộc của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thì môn thứ ba của kỳ thi vào lớp 10 sẽ là tiếng Anh. Lộ trình này phù hợp với việc từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học; bảo đảm nguyên tắc cốt lõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 là gọn nhẹ, không áp lực.

Trong khi đó, ý kiến của một số giáo viên trực tiếp đứng lớp lại cho rằng, nên để học sinh được chọn môn thi thứ ba nhằm giúp các em phát huy năng lực, sở trường. Với phương án này, công tác tổ chức kỳ thi có thể sẽ vất vả hơn, nhưng học sinh được giảm áp lực và thuận lợi, cũng là phù hợp với việc học sinh được chọn môn học khi vào lớp 10 và chọn môn thi khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Còn bà Nguyễn Thị Hoài Thu, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) nêu ý kiến, nếu đã chốt thống nhất trên cả nước việc tổ chức ba môn thi vào lớp 10 thì nên công bố ngay tên các môn thi từ đầu năm học chứ không nên đợi đến tận cuối tháng 3 hằng năm như dự thảo, tránh gây áp lực không cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông đến ngày 18-12-2024.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top