ĐBP - Hiện nay, huyện Tuần Giáo đã cơ bản kiểm soát, khống chế được dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, do nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao; thiếu vốn đầu tư cùng tâm lý e ngại dịch tái phát khiến việc tái đàn lợn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân đã bắt đầu tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế các hộ đều gặp khó khăn về nguồn giống và giá lợn giống cao nên đa số người dân không tái đàn một cách ồ ạt, vội vàng, mà chỉ nuôi từ 5 - 10 con. Dù chăn nuôi quy mô nhỏ, gia đình chị Cà Thị Tâm, bản Băng Sản, xã Quài Tở cũng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Trước đây, 10 con lợn trong tổng đàn 90 con của gia đình chị mắc bệnh tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy. Bị thiệt hại nặng nguồn thu chính, khiến gia đình chị lao đao.
Chị Tâm chia sẻ: “Sau dịch bệnh, gia đình chị đã vệ sinh chuồng trại, thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất để xử lý, tiêu diệt mầm bệnh chuẩn bị cho việc tái đàn. Gia đình chị cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn có nhu cầu tái đàn để cung cấp thịt lợn thương phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, do thời điểm khan hiếm lợn giống và giá lợn giống cũng đang rất cao, khoảng 1,6 - 2 triệu đồng/con. Việc nhập lợn giống giá cao thương phẩm vào thời điểm này gia đình chị lo sợ “thiệt hại kép” nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải lợn giống không an toàn”.
Cũng như gia đình chị Tâm, cuối tháng 8/2020 gia đình chị Lò Thị Pọm, bản Băng Sản, xã Quài Tở cũng phải tiêu hủy 4 con lợn do bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Sau hơn 4 tháng không chăn nuôi lợn, nhận thấy trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh nên cách đây 2 tháng gia đình chị đã mạnh dạn chăn nuôi trở lại. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, giá lợn giống hiện cao gấp đôi. Vì vậy, để đảm bảo thu nhập và tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra chị chủ động nuôi thêm gia cầm, thực hiện nuôi giãn lứa lợn. Đến nay, mặc dù giá thịt lợn trên địa bàn tăng cao nhưng gia đình chị chỉ dám cầm chừng với 6 con lợn thịt, chưa dám nuôi nhiều vì lo sợ dịch bệnh có thể tái phát quay trở lại. Bởi vẫn còn nhiều khó khăn khi lợn giống cao và tâm lý e ngại nếu tái đàn với số lượng lớn, trong khi điều kiện chăn nuôi chưa thực sự ổn định và nếu dịch bệnh tái phát lại có thể gây thiệt hại cho kinh tế của gia đình và hiện tại gia đình chưa đủ điều kiện để tái đàn như trước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo thông tin: “Mặc dù hiện nay, huyện Tuần Giáo đã công bố hết dịch, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn đến nay khiến tâm lý của người dân vẫn còn e ngại và chưa tái đàn, mặc dù các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tái đàn nhưng phải đảm bảo các yếu tố như: Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, đặc biệt nếu tái đàn phải mua con giống có nguồn gốc. Tuy nhiên, đến nay đa phần người dân vẫn chưa mạnh dạn tái đàn nhiều bởi giá con giống, thức ăn chăn nuôi khá cao, nhiều hộ gia đình không có điều kiện để tái đàn”.
Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, hiện nay bên cạnh việc các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn đang tích cực hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đối với gia trại, trang trại có quy mô lớn cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn, đồng thời khuyến khích sử dụng con giống tại địa phương, nếu nhập con giống từ bên ngoài thì phải bảo đảm nguồn giống sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không mua con giống trôi nổi trên thị trường, thì rất cần các cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống có chất lượng, giá thành hợp lý; đồng thời, tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, trong thời gian tới tổng đàn lợn trên địa bàn huyện mới phát triển ổn định, góp phần bình ổn thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn.