Chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường

07:25 - Thứ Tư, 06/07/2022 Lượt xem: 2181 In bài viết

ĐBP - Xác định tầm quan trọng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thời gian qua Cục Quản lý thị trường (QLTT) Điện Biên đã triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022.

Đội QLTT số 3 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược, vật tư y tế.

Ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục QLTT Điện Biên cho biết: Nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT tập trung làm tốt công tác quản lý theo địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh để thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường… Trong đó tập trung vào các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh: Rượu, nguyên liệu thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; thương mại điện tử hoặc trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và các loại thực phẩm khác, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường. Tại các huyện, thị xã, thành phố, Đội QLTT trực thuộc tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tái phạm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nổi cộm. Đặc biệt là chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các website thương mại điện tử, cung cấp đường dây nóng, đầu mối liên hệ để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh phân biệt hàng thật - hàng giả, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ động tố giác các cơ sở vi phạm. Trong 5 tháng đầu năm, Cục QLTT Điện Biên đã tiến hành kiểm tra 428 vụ, xử lý vi phạm hành chính 142 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 200 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: Không niêm yết giá hàng hóa; hàng quá hạn sử dụng; hàng hóa bị hỏng, mốc; hàng hóa vi phạm về nhãn.

Vụ việc điển hình vừa qua là Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc tân dược và vật tư y tế do ông Lò Văn Sương (thôn Duyên Long, xã Noong Luống, huyện Điện Biên) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cửa hàng kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật đối với mặt hàng vật tư y tế và người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược. Đội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 2 hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 và người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 52, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước 4,75 triệu đồng.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT toàn tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành, không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm và tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, thương mại. Kết quả đã trực tiếp tuyên truyền hơn 400 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh qua công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua đó đã góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đấu tranh phòng chống hiệu quả tình trạng tái phạm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh. Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tập trung kiểm tra nơi tập kết, chợ đầu mối, các đại lý phân phối… nơi phát sinh nguồn hàng; các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; sản xuất, kinh doanh rượu; kinh doanh các sản phẩm thuốc lá; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; các mặt hàng thiết bị, vật tư y tế; các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp; các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top