Tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể

08:48 - Thứ Tư, 19/10/2022 Lượt xem: 3642 In bài viết

ĐBP - Thành lập từ tháng 4/2021, tổng vốn điều lệ 2 tỷ đồng với 10 thành viên, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) là một trong những mô hình kinh tế tập thể được đánh giá cao trong sản xuất kinh doanh.

Thành viên HTX Nông sản sạch Tây Bắc đóng gói sản phẩm táo mèo chuẩn bị cung cấp ra thị trường.

Bà Mùa Thị Hoa, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tây Bắc cho biết: Mô hình sản xuất, kinh doanh chủ yếu của HTX là dưa mèo và sơn tra (táo mèo). Hiện HTX đang duy trì trồng 10ha dưa mèo, trong đó 6ha là của các thành viên góp đất trồng, còn lại là liên kết với các hộ dân trên địa bàn để đảm bảo cung cấp ra thị trường. Đối với sơn tra (táo mèo), hiện có trên 20ha đã cho thu hoạch, toàn bộ diện tích này do các thành viên đóng góp. Táo mèo được chế biến thành 5 sản phẩm, gồm: Táo mèo ngâm sành; dấm táo mèo; cider táo mèo; mứt táo mèo và táo mèo sấy lạnh. Trong đó: Táo mèo ngâm sành là sản phẩm chính. Thu nhập trung bình của các xã viên HTX là 4 triệu đồng/tháng. Để việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, phần lớn HTX tự quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, và gửi sản phẩm vào các đại lý, cửa hàng, các siêu thị mi ni trên toàn tỉnh.

Được biết, các sản phẩm chế biến từ táo mèo của HTX Nông sản sạch Tây Bắc do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ thực hiện từ tháng 10 - 12/2021 nhằm ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến quả táo mèo thành các sản phẩm có giá trị cao, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững; phát triển ngành nghề mới, tạo ra sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Hiện nay huyện Tuần Giáo có 38 HTX đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với 371 thành viên. Trong đó 20 HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 6 HTX hoạt động lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, còn lại là lĩnh vực khác. Tổng vốn điều lệ đăng ký hoạt động là 90,802 tỷ đồng, bình quân 2,39 tỷ đồng/HTX, bình quân vốn góp của thành viên là 244,750 triệu đồng. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1,15 tỷ đồng/năm; lãi bình quân đạt 126 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên HTX là 33 triệu đồng/người/năm.

Tương tự huyện Tuần Giáo, tại huyện Mường Ảng mô hình kinh tế tập thể đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình này gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; còn lúng túng trong khâu quảng bá, điều hành và tiêu thụ sản phẩm. Qua tìm hiểu, các HTX mong muốn được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; các nguồn vốn ưu đãi dành cho loại hình kinh tế này.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 268 HTX, với tổng số vốn điều lệ 662,4 tỷ đồng; tổng số 10.343 thành viên và 9.636 lao động. Tổng doanh thu các HTX hơn 336,3 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP tỉnh đạt 0,55%. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất và góp sức; cùng sản xuất, kinh doanh; cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ. Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, kinh tế tập thể còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.

Hiện nay, tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; các khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hạn chế là khó khăn chung của các mô hình kinh tế tập thể trên toàn tỉnh. Để tạo điều kiện các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thành lập mới, chuyển đổi mô hình hoạt động của các HTX, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Đồng thời quan tâm lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý HTX, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bài, ảnh: ANH KHÔI
Bình luận
Back To Top