ĐBP - Sáng nay (23/3), đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Chà. Đi cùng đoàn có các đồng chí: Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh…
Bí thư Tỉnh ủy thăm 3 mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Mường Chà, gồm: Mô hình trồng dứa xã Na Sang, mô hình trồng bí xanh tại thị trấn Mường Chà và mô hình trồng rau màu tại xã Sa Lông.
Với diện tích 1,6ha, Hợp tác xã (HTX) Nam Dương đã liên kết với HTX Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh triển khai trồng và chăm sóc bí xanh tại thị trấn Mường Chà theo hướng nông nghiệp sạch, đem lại sản phẩm chất lượng an toàn. Để hạn chế sâu bệnh, hạn chế thoát hơi nước, HTX dùng nilon phủ luống bí; đồng thời không sử dụng cây tre, tầm vông hay các loại cây khác làm cọc chống cho bí xanh leo, mà trồng bí xanh treo giàn lưới. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm thời gian chăm sóc.
Đối với mô hình trồng rau màu tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông; đây là mô hình hiện đang được HTX 7/5 thực hiện. Đại diện HTX 7/5 cho biết, với diện tích đất ruộng khá bằng phẳng nhưng vì thiếu nguồn nước nên dân bản Thèn Pả chỉ trồng lúa 1 vụ; vụ còn lại bỏ hoang. Tận dụng diện tích đất ruộng này, sau khi khảo sát, năm 2022, đơn vị đã liên kết với người dân chuyển đổi đất ruộng sang trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, như: Khoai tây, cà chua... Bước đầu thử nghiệm, song do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài 2 mô hình trên, Bí thư Tỉnh ủy cũng đến thăm mô hình trồng dứa tại xã Na Sang. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cả 3 mô hình sản xuất nông nghiệp này là những mô hình có triển vọng, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng, có thể mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân. Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà cần tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm, từ đó không những giúp người dân tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng mà còn là hướng đi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.