Triển vọng cây dược liệu ở Mường Nhé

07:04 - Chủ Nhật, 26/03/2023 Lượt xem: 4366 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới, diện tích quy hoạch cho đất lâm nghiệp lớn, Mường Nhé được đánh giá là địa bàn có tiềm năng phát triển cây dược liệu.

Người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé ươm cây quế.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay, huyện Mường Nhé có 86.100,86ha rừng; trong đó 58.084,22ha rừng tự nhiên, 1.016,64ha rừng trồng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,87%. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 125.797,3ha (chiếm 80% diện tích tự nhiên toàn huyện). Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên các đặc điểm như: Nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm không khí; thổ nhưỡng, đất đai trên địa bàn huyện tương đối tốt, tính chất đất rừng phù hợp với nhiều loại cây trồng ngắn ngày (sả) và cây dài ngày (quế, ba kích). Trong khi đó, diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp khá nhiều, nguồn lao động dồi dào với 22.505 người trong độ tuổi lao động (chiếm 47,2% dân số); hầu hết lao động sống ở nông thôn. Đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với các loài cây dược liệu dưới tán rừng. Đặc biệt là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị gắn với nhà máy chế biến lâm sản. Trên tuyến biên giới có lối mở A Pa Chải, đây cũng là điều kiện thuận lợi của huyện trong việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế đối ngoại trong tương lai.

Nhằm phát triển kinh tế hộ, từ năm 2016 đến nay, nhiều người dân trên địa bàn Mường Nhé đã tự gây trồng 159,27ha sả Java trên đất trồng cây hàng năm của gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã trồng tổng diện tích 113,99ha cây quế, 260ha cây sa nhân dưới tán rừng. Trong đó, đối với sả Java sản lượng khai thác bình quân 1.477 tấn/năm, năng suất trung bình ước đạt 9 tạ sả tươi/ha/năm. Đối với cây quế (loài cây dược liệu có chu kỳ khai thác lâu), sau 5 năm trồng mới có thể khai thác. Còn với sa nhân, sản lượng khai thác bình quân 40 tấn/năm, năng suất trung bình ước đạt 4 tạ/ha/năm. Tuy nhiên, việc trồng, khai thác, thu hái các loài cây dược liệu còn manh mún. Hiện nay các hộ dân tự chế biến mà không có cơ sở sơ chế và chế biến nguyên vật liệu sả Java và sa nhân. Được biết đã có doanh nghiệp trên địa bàn huyện đăng ký thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi (xã Leng Su Sìn) để thu mua tinh dầu sả Java. Những hộ dân sau khi thu hoạch và chế biến thành tinh dầu sả đem bán cho Hợp tác xã thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (tỉnh Lai Châu). Còn cây sa nhân, sau thu hoạch người dân chủ yếu bán lẻ cho các tiểu thương trên địa bàn huyện.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nhằm phát triển cây dược liệu, tạo sinh kế giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã đề xuất một số chương trình, dự án phát triển cây dược liệu như: Dự án phát triển cây quế; phát triển lâm sản ngoài gỗ thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; dự án phát triển cây ý dĩ. Tổng vốn đầu tư dự án phát triển cây dược diệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 3 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư thực hiện đến năm 2025 là 1,125 tỷ đồng, vốn thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 là 1,875 tỷ đồng. Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế địa bàn, trước mắt huyện định hướng phát triển dược liệu (cây quế) để thực hiện các mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan. Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển dược liệu gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tích cực xây dựng cơ chế chính sách xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm; thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực dược liệu. Nhờ đó thời gian gần đây Mường Nhé đã thu hút một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư phát triển cây dược liệu. Mới đây (giữa tháng 3/2023), huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn VIETMASS khảo sát thực địa, nghiên cứu đầu tư phát triển cây dược liệu (nấm, sâm) trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top