Chính sách hợp lòng dân (bài 2)

08:16 - Thứ Tư, 17/05/2023 Lượt xem: 3940 In bài viết

Bài 2: Góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới

ĐBP - Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR đã giúp các chủ rừng, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tạo sinh kế, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các cộng đồng có thêm nguồn kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hoá góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bài 1:  Tăng dày “lá phổi xanh”

Người dân xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) sử dụng tiền DVMTR để tái đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải hướng dẫn người dân xã Sín Thầu kỹ thuật trồng cây sa nhân dưới tán rừng.

Tạo sinh kế, tăng thu nhập

Tuy mỗi năm có mức giá chi trả khác nhau song chính sách chi trả DVMTR đã giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/hộ. Năm 2022, thu nhập bình quân mỗi hộ tham gia bảo vệ rừng khoảng 2,3 triệu đồng. Một số cộng đồng thuộc xã Sen Thượng, Sín Thầu (huyện Mường Nhé); Quảng Lâm (huyện Nậm Pồ)… còn đạt mức thu nhập rất cao, từ 50 - 123 triệu đồng/hộ/năm. Với số tiền nhận được từ chính sách chi trả DVMTR, ngoài sử dụng một phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, người dân chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt gia đình và tái đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) có trên 4.940ha rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR. Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biện đã chi trả trên 5,3 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2021 và tạm ứng trên 1,977 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2022 cho 7 cộng đồng và 5 hộ gia đình. Nhiều hộ dân được trả tiền DVMTR đã tái đầu tư phát triển kinh tế, tạo thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trồng sa nhân dưới tán rừng đang là hướng phát triển kinh tế mới tại xã cực Tây biên giới Sín Thầu. Đến nay, toàn xã có trên 132ha cây sa nhân tím, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 60 - 70%. Các mô hình trồng sa nhân không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần hạn chế tình trạng cháy thảm thực vật vì cây sa nhân tím chứa nhiều nước, hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng. Do đó, người dân Sín Thầu rất tích cực phát triển cây sa nhân và một số cây dược liệu dưới tán rừng, vừa tăng nguồn thu nhập vừa làm tốt việc bảo vệ phát triển rừng để hưởng DVMTR. Hiện nay, xã Sín Thầu có gần 100 hộ dân được hưởng DVMTR triển khai trồng cây sa nhân dưới tán rừng.

Anh Sừng Ta Há, bản Pờ Nhù Khồ cho biết: “Tôi đã dùng tiền DVMTR mua cây giống sa nhân tím trồng gần 1ha dưới tán rừng. Chăm sóc tốt, mỗi hecta sa nhân tím cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng, có năm được giá thu nhập hàng trăm triệu đồng.”

Từ năm 2016, huyện Nậm Pồ đã đầu tư các dự án trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán rừng tại các xã có diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR như: Nậm Khăn, Chà Tở, Pa Tần... nhằm hướng đến “mục tiêu kép”: Tạo sinh kế, thu nhập ổn định, bền vững cho người dân và quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Người dân đã sử dụng tiền DVMTR để mua cây giống, tái đầu tư, mở rộng diện tích cây sa nhân. Đến nay, toàn huyện có gần 100ha cây sa nhân, tập trung ở các xã: Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần; một số diện tích đã cho thu hoạch, thu nhập trung bình đạt 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Toàn xã trồng được hơn 30ha sa nhân; thu nhập đạt từ 10 - 30 triệu đồng/hộ (tùy diện tích). Để phát triển bền vững kinh tế dưới tán rừng, người dân tích cực tham gia hiến đất, góp ngày công làm đường tuần tra bảo vệ rừng; tham gia tuần rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… Nhờ đó, rừng của xã luôn được đảm bảo an toàn. Hiện nay xã Chà Nưa đang phát triển mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng. Xã thành lập Hợp tác xã Ong mật Chà Nưa với hàng chục hộ tham gia. Quá trình chăm sóc, di chuyển tổ ong theo từng mùa hoa rừng, người nuôi ong chính là tai mắt, là một “bảo lâm” của xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đầu tư hạ tầng cơ sở

Những năm qua, các cộng đồng thôn, bản là chủ rừng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR. Trong đó, đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân được hầu hết các cộng đồng thực hiện.

Bản Lĩnh, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) được giao quản lý, bảo vệ trên 600ha rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR với 147/157 hộ tham gia quản lý, bảo vệ. Trước đây, toàn bộ số tiền DVMTR đều dành phục vụ các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Từ năm 2018, cộng đồng bản đã thống nhất dành một phần tiền DVMTR để xây dựng các công trình phúc lợi chung. Năm 2019, bản góp 120 triệu đồng (chiếm 50% kinh phí) để xây dựng nhà văn hóa bản. Năm 2020, bản tiếp tục đầu tư xây dựng tường bao nhà văn hóa, nhà vệ sinh, mái tôn sân nhà văn hóa với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Năm 2022, bản được chi trả trên 500 triệu đồng tiền DVMTR, cả bản thống nhất đầu tư dự án “điện sáng đường quê” tại 100% đường nội bản với tổng số tiền 40 triệu đồng; san gạt, xây dựng sân vận động bản rộng gần 5.000m2 với tổng kinh phí 120 triệu đồng; xây dựng 4 gian hàng gần quốc lộ 12 phục vụ các hộ dân buôn bán nông sản.

Anh Lù Văn Liêm, bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: “Nhờ quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, cộng đồng bản Lĩnh mới được hưởng tiền DVMTR, từ đó tạo điều kiện để bản đầu tư hạ tầng cơ sở, phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Bà con có nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Riêng sân vận động bản, hàng năm còn được UBND xã trưng dụng để tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân xã.”

Theo ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, không chỉ riêng bản Lĩnh, mà 11/11 nhà văn hóa bản ở xã Mường Pồn đều sử dụng tiền DVMTR để đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều bản còn dùng nguồn tiền DVMTR để bê tông hóa đường nội bản; thực hiện các dự án “điện sáng đường quê”… Việc sử dụng hiệu quả tiền chi trả DVMTR không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt người dân mà còn góp phần giúp xã hoàn thành và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022 là tròn 9 năm người dân bản Hua Huổi Luông, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Bản được giao quản lý bảo vệ 920ha rừng; với đơn giá 700.000 đồng/ha, số tiền DVMTR hàng năm cộng đồng bản được hưởng gần 650 triệu đồng. Nguồn tiền DVMTR được cộng đồng bản đầu tư xây dựng các công trình công cộng. Trong đó sân vận động là công trình lớn nhất với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Năm 2020, sau khi nhận tiền DVMTR, mỗi hộ dân tự nguyện trích lại 1 triệu đồng để bản mua gần 700m2 đất, thuê máy xúc san ủi mặt bằng làm sân vận động.

Ông Giàng A Chía, Trưởng bản Hua Huổi Luông cho biết: “Sân vận động không chỉ là nơi dân bản tổ chức các hoạt động vui chơi vào dịp lễ, tết mà hàng ngày thanh niên, trẻ em trong bản hoạt động thể dục thể thao. Các hộ dân trong bản cũng sử dụng sân vận động làm địa điểm tổ chức các sự kiện lớn của gia đình, dòng họ.”

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, việc xây dựng nhà văn hóa thôn bản từ nguồn chi trả DVMTR đã và đang trở thành phong trào tại các xã. Mỗi cộng đồng bản trích 50 - 80 triệu đồng từ tiền DVMTR, đồng thời xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ. Với cách làm đó, năm 2022, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng được 20 nhà văn hóa; đến nay 154/193 bản, tổ dân phố đã có nhà văn hóa. Huyện Điện Biên Đông phấn đấu đến năm 2025, 100% thôn, bản trên địa bàn có nhà văn hóa. Qua đó hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí số 6 về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Bài 3: Để chính sách phát huy hiệu quả tối ưu

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top