ĐBP - Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các ngành, đơn vị quản lý; chính quyền địa phương đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập thủy lợi, hệ thống kênh mương để xây dựng phương án xử lý kịp thời, bảo đảm phục vụ sản xuất và an toàn vùng hạ du.
Hiện nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh có 14 hồ thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng; 2 trạm bơm điện; 5 cống đầu mối cấp, thoát nước; còn lại chủ yếu là các công trình lấy nước theo hình thức đập dâng, cửa lấy nước và phai tạm. Tổng chiều dài kênh mương hiện có là 1.744,18km, trong đó 1.396,05km đã được kiên cố; đường ống dẫn, chuyển nước có tổng chiều dài 63km. Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho 25.166,7ha cây trồng hàng năm; 367,4ha cây lâu năm và 129,9ha cây công nghiệp lâu năm. Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi mùa mưa lũ là nhiệm vụ rất quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, UBND tỉnh đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp; bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Trước mùa mưa lũ, các địa phương, đơn vị thực hiện kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng; lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; bố trí kinh phí để xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Đồng thời xây dựng phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình; nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.
Để đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị quản lý hồ, chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Qua kiểm tra cho thấy, 13/14 hồ chứa đã lập phương án ứng phó thiên tai nhưng chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; 3/14 hồ đã lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và được UBND tỉnh phê duyệt (hồ Pá Khoang, hồ Nậm Ngám - Pu Nhi, Nậm Khẩu Hu), 10/14 hồ đã lập nhưng chưa được phê duyệt và 1 hồ chưa lập do chưa có nguồn kinh phí (hồ Tông Lệnh). Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá bằng trực quan độ an toàn đối với 12 hồ, phát hiện có 2 hồ (Bản Ban, Na Hươm) đập bị thấm nhẹ; 2 hồ (Na Hươm, Hồng Khếnh) đập bị lún nhẹ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị quản lý, chính quyền các địa phương có phương án sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ 2023.
Theo phân cấp quản lý, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên được giao quản lý, khai thác vận hành 13 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn; tổng dung tích mực nước dâng bình thường là 66,84 triệu mét khối. Đảm bảo an toàn hồ đập, Công ty thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; cử cán bộ trực và thực hiện các phương án phòng chống mưa lũ tại các hồ chứa. Công ty đã chuẩn bị đầy đủ vật tư tại các hồ chứa như: Đá hộc, cát, sỏi, cọc, bao tải, rọ thép, máy phát điện; đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện các khu vực hồ và đập đầu mối; phối hợp với địa phương sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có sự cố xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Trước mùa mưa, công ty đã thực hiện công tác kiểm tra tổng thể công trình gồm: Mái hạ, thượng lưu đập; tràn xả lũ, kịp thời phát hiện các hiện tượng thấm, lún, trượt, mạch đùn, rò rỉ.
Ông Lê Văn Thi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Với phương châm phòng là chính, Công ty đã chủ động triển khai các phương án, giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập. Đến nay, qua kiểm tra bằng trực quan, các hồ đều cơ bản đảm bảo an toàn. Từ ngày 20/5, Công ty đã phân công cán bộ, công nhân viên phụ trách các hồ, đập và duy trì chế độ trực 24/24 giờ. Khi báo động sự cố lên đến cấp 3, các cụm quản lý thủy nông phải thông báo với chính quyền địa phương và các đơn vị phối hợp sẵn sàng triển khai theo các kịch bản, phương án đã xây dựng.
Hồ Huổi Phạ gần trung tâm TP. Điện Biên Phủ có lưu vực 17,7km2; dung tích mực nước dâng bình thường 1,843 triệu mét khối; dung tích ứng với mực nước dâng gia cường là 1,973 triệu mét khối. Vùng hạ du ảnh hưởng có 57 hộ dân và 2,5ha lúa, hoa màu, ao cá.
Anh Đặng Ngọc Hồng, Cụm trưởng Cụm đầu mối, phụ trách trực tiếp hồ Huổi Phạ cho biết: Công ty đã xây dựng quy định về cấp báo động và chế độ báo động tương ứng với mực nước dâng của hồ. Mùa mưa lũ, cụm cử cán bộ trực 24/7, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết nước, bảo vệ an toàn cho công trình. Hồ Huổi Phạ có hệ thống phai xả lũ vận hành bằng điện. Do đó, trước mùa mưa, đơn vị đã tiến hành vận hành, kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay các sự cố. Đồng thời, chuẩn bị máy phát điện dự phòng sự cố mất điện khi mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư tại chỗ gồm: đá hộc, sỏi, cát cấp phối, rọ thép, xẻng, bao tải dứa... Vào những ngày mưa lớn, đơn vị tăng cường theo dõi lượng mưa, lượng nước chảy về hồ để điều tiết cống xả đáy và phai xả lũ phù hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thân đập.
Đối với các công trình thủy lợi do cấp huyện, xã quản lý, chính quyền địa phương thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, vận hành đảm bảo an toàn công trình mùa mưa lũ, kịp thời khắc phục thiệt hại. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 213 tổ chức thủy lợi cơ sở, gồm 10 hợp tác xã và 203 tổ hợp tác.