Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,9%

14:27 - Thứ Hai, 03/07/2023 Lượt xem: 3329 In bài viết

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 505,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nắng nóng, người dân tăng mua điều hòa làm mát. Ảnh: Lam Giang

Tính cả quý II-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.016 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% thì tương đương cùng kỳ năm 2022).

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao hơn, nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.377,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,5%; may mặc tăng 9,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%.

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao là: Bình Dương tăng 15,6%; Quảng Ninh tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 12,3%; Khánh Hòa tăng 9,7%; Cần Thơ tăng 9,4%...

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương tăng cao là: Khánh Hòa tăng 51%; Đà Nẵng tăng 39,1%; Cần Thơ tăng 37,5%; Quảng Ninh tăng 36,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 36,2%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 10,5%...

Để phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ chú trọng nhân rộng mạng lưới chợ an toàn thực phẩm, hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top