Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa

16:01 - Thứ Hai, 03/07/2023 Lượt xem: 5982 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Điện Biên có khoảng 112km đường thủy nội địa. Trong đó tuyến chính từ TX. Mường Lay - huyện Tủa Chùa dài 73km; 2 tuyến nhánh trên sông Nậm Lay từ cầu Nậm Cản (TX. Mường Lay) đến ngã ba nối với sông Đà dài 7km và tuyến trên sông Nậm Mức từ đập thủy điện Nậm Mức đến ngã ba nối với sông Đà dài 32km. Nhằm nâng cao ý thức của chủ phương tiện trong việc đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự trên các tuyến sông, nhiều giải pháp đã được lực lượng chức năng triển khai đồng bộ.

Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh) tuyên truyền quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đến các chủ phương tiện trên địa bàn TX. Mường Lay.

Hiện nay toàn tỉnh có 570 phương tiện vận tải đường thủy nội địa đang hoạt động, chủ yếu trên địa bàn TX. Mường Lay và huyện Tủa Chùa. Tuy nhiên, hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính tự phát, chủ yếu là bến dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại, lao động sản xuất và đánh bắt thủy sản của người dân. Cùng với đó, nhiều phương tiện đường thủy chưa có đăng ký, đăng kiểm (chủ yếu là các phương tiện thô sơ, người dân tự đóng, thiếu thiết bị an toàn); người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; kinh nghiệm tham gia giao thông trên sông nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư bến bãi, phân luồng cho tàu thuyền, hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu giao thông đường thủy còn hạn chế. Toàn tuyến chỉ có 1 bến thuyền Cơ Khí - Nậm Cản (TX. Mường Lay) và 1 bến thủy nội địa tại thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) đạt tiêu chuẩn, còn lại là bến dân sinh, hoạt động mang tính tự phát, chưa được cấp phép và chưa xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong quy hoạch, xây dựng, nâng cấp 2 bến cảng, gồm bến cảng Đồi Cao và bến cảng Huổi Só; phát triển 6 bến thuỷ nội địa địa phương trên tuyến sông Đà, 2 bến trên tuyến sông Nậm Lay và 2 bến trên tuyến sông Nậm Mức, nhưng chưa thực hiện được.

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, thời gian qua các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho các chủ phương tiện, người dân; các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; xây dựng các mô hình “Bến đò tự quản”, “Bến đò an toàn”, phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Đồng thời, thông báo rộng rãi đến người dân và chủ các phương tiện đăng ký tham gia các khóa đào tạo để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Vận động, hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm đối với loại phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm. Cùng đó, tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, đặc biệt là các phương tiện chở khách du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết đình chỉ không cho hoạt động đối với các phương tiện không bảo đảm kỹ thuật, không đủ thiết bị an toàn cho hành khách, chở quá số người quy định, người điều khiển không chứng chỉ chuyên môn.

Trong qúy I/2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức 18 buổi tuyên truyền tại các cụm dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp với gần 2.500 người tham gia; phối hợp tổ chức tặng hàng trăm áo phao cứu sinh cho người dân, chủ phương tiện. Cùng với đó, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm liên quan đến vận tải đường thủy. Qua kiểm tra, đã nhắc nhở và yêu cầu 5 cơ quan, doanh nghiệp, 560 chủ phương tiện và 567 người lái phương tiện đường thủy ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, không giao phương tiện cho những người không đủ điều kiện, khả năng điều khiển.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuần tra, kiểm tra xử lý các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do mạng lưới giao thông đường thủy nội địa nằm rải rác trên địa bàn các huyện, chủ yếu là phương tiện thô sơ có gắn động cơ. Trong khi đó trang, thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát còn thiếu; lực lượng thực hiện nhiệm vụ ngoài thực địa mỏng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo, dạy nghề cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Việc sửa chữa, khắc phục các phương tiện để phục vụ việc đăng ký, đăng kiểm của các chủ phương tiện chưa được tiến hành, gây khó khăn cho công tác đăng kiểm và đăng ký… Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quy tắc giao thông đường thủy nội địa đến các chủ phương tiện, người lái và người dân. Thực hiện nghiêm quy định điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và không chở quá tải trọng theo quy định.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top