Ðẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

08:52 - Thứ Sáu, 14/07/2023 Lượt xem: 4837 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, người dân trong tỉnh đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa gạo. Nhờ đó góp phần giảm sức lao động, chi phí đầu tư; nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân.

Người dân xã Thanh Xương áp dụng máy cấy gắn động cơ trong sản xuất vụ mùa năm 2023.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa đông xuân năm 2022 - 2023, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất là 8.785,2ha (chiếm 88,9% tổng diện tích gieo cấy); trong gieo cấy 345,8ha (chiếm 3,5%); trong thu hoạch là 5.347,2ha (chiếm 54,1%). Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa công nghệ cao trong chế biến là 1.506,6ha, chiếm 15,2% tổng diện tích gieo cấy. Các địa phương có tỷ lệ cơ giới hóa cao gồm: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ. Cơ giới hóa trong sản xuất lúa giúp nông dân giải phóng sức lao động, hạn chế sâu bệnh, nâng cao giá trị lúa gạo trên đơn vị diện tích. Theo tính toán, 1ha lúa cơ giới hóa cả 3 khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư khoảng 3 - 5 triệu đồng, năng suất lúa và giá trị lúa gạo cũng tăng lên từ 10 - 15% so với cách làm truyền thống.

Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) là xã tiên phong áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo của tỉnh. Hiện nay, gần như 100% diện tích lúa của xã Thanh Xương đã được cơ giới hóa cả 3 khâu: Làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Ðặc biệt là cơ giới hóa trong khâu gieo cấy bằng sử dụng máy cấy gắn động cơ thay cho phương pháp gieo thẳng truyền thống.

Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương cho biết: Hiện nay, xã Thanh Xương có 67 chiếc máy cấy gắn động cơ, chiếm 80% số lượng máy cấy trong toàn huyện Ðiện Biên. Diện tích áp dụng máy cấy khoảng 200ha/vụ, chiếm trên 80% tổng diện tích gieo cấy của xã. Khó khăn trong việc sử dụng máy cấy là người dân phải có kiến thức trong việc làm mạ khay. Do đó, thời gian tới, xã Thanh Xương tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật làm mạ khay. Phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích lúa của xã áp dụng máy cấy gắn động cơ. Bên cạnh đó, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã đầu tư máy cày, gặt đập liên hợp để thay thế cho các loại máy nhỏ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, đội C9C, xã Thanh Xương có 6.000m2 ruộng 2 vụ được cơ giới hóa trong cả 3 khâu. Cơ giới hóa giúp giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhất là từ năm 2018, khi gia đình bà áp dụng máy cấy gắn động cơ giúp giảm tỷ lệ lúa lẫn từ 80 - 90% so với gieo sạ, chi phí sản xuất giảm từ 20% - 25%; lãi thuần chênh lệch trên 10 triệu đồng/ha, công lao động giảm khoảng 20% so với ruộng gieo sạ.

Huyện Ðiện Biên là vùng sản xuất lúa gạo tập trung lớn nhất tỉnh, đặc biệt là có cánh đồng vùng lòng chảo rộng trên 4.100ha, là điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa trong sản xuất. Ðến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện đạt 70%, riêng vùng lòng chảo đạt 90%. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, toàn huyện có 335 máy cày, máy phay các loại; 100 máy cấy; gần 1.900 bình phun thuốc động cơ; 37 máy gặt đập liên hợp; 36 máy gặt loại nhỏ, gần 300 máy tuốt lúa...

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ðể đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, huyện Ðiện Biên đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân mua máy móc nông nghiệp. Ðơn cử như đẩy mạnh đưa máy cấy vào thay thế phương pháp gieo sạ, huyện Ðiện Biên đang hỗ trợ 70% chi phí mua máy cấy cho những cá nhân, tổ chức với diện tích lúa trên 5ha và hỗ trợ 50% chi phí với diện tích dưới 5ha. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ thí điểm mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Như vậy, đến năm 2025 huyện Ðiện Biên sẽ có một số diện tích lúa cơ giới hóa 100% trong tất cả các khâu.

Tại các huyện vùng cao như Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Nhé cũng đang tập trung khuyến khích, vận động người dân đẩy mạnh việc sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo. Như huyện Ðiện Biên Ðông, vụ đông xuân năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã thử nghiệm mô hình máy cấy gắn động cơ tại xã Luân Giói. Dự kiến, vụ mùa năm 2023 huyện tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng máy cấy thay hình thức gieo thẳng. Hoặc như huyện Nậm Pồ, hiện nay toàn huyện có khoảng 2.660 máy xới đất; 213 bình phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ; 1 máy gặt lúa rải hàng; 16 máy bơm nước; 1.860 máy tuốt lúa thủ công có gắn động cơ; 753 máy phát cỏ và 15 máy tách hạt ngô mini. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt khoảng 90% khâu làm đất, 60% khâu thu hoạch; cơ giới hóa trong sản xuất rau màu, ngô, sắn đạt 50%; phun thuốc bảo vệ thực vật được cơ giới hóa khoảng 40% đối với tất cả các loại cây trồng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top