Ðào tạo nghề - “chìa khóa” thoát nghèo cho lao động nông thôn

15:01 - Thứ Tư, 19/07/2023 Lượt xem: 4225 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Ðiện Biên có lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động, song chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên trình độ sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm qua, thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn vận dụng các kiến thức đã học vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho bản thân và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác.

Người dân xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên học nghề trồng nấm.

Mô hình chăn nuôi sản xuất của gia đình ông Lò Văn Tắn, bản Ho Cang,  xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) là một trong những mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn tỉnh, cho thu nhập trên 410 triệu đồng/năm. Theo ông Tắn, trước đây gia đình gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế phát triển không ổn định do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2016, thông qua các lớp đào tạo nghề và sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của hội nông dân địa phương, gia đình ông mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, diện tích trồng lúa 2 vụ và rau màu các loại là 6.000m2, cho thu nhập 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ao cá 4.000m2 để phát triển cá giống, cá thịt, hàng năm xuất bán ra thị trường 50 vạn cá giống và hàng tạ cá thịt mang lại thu nhập 218,6 triệu đồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm cho thu nhập 101,8 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra gia đình ông đã đầu tư vốn để làm dịch vụ tổng hợp về nông nghiệp.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Ơn, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) sau khi tham gia khóa đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa, chăn nuôi lợn, trâu, bò… đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây chuồng trại, mua con giống. Năm 2012, ông Ơn bắt đầu nuôi lợn rừng, nuôi bò và trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả, doanh thu bình quân 300 triệu đồng mỗi năm; năm 2016, ông tham gia Hợp tác xã chăn nuôi lợn liên kết. Từ đó, gia đình ông nuôi thêm 100 con lợn thương phẩm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Ngoài nuôi lợn, gia đình ông còn nuôi 15 con bò, 60 con lợn rừng, 100 con gà, cải tạo vườn đồi 5.000m2 trồng cây ăn quả, 70.000m2 trồng rừng.... Nhờ đó, thu nhập gia đình ông tăng theo từng năm, trung bình mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Ơn còn giúp đỡ 50 hộ nghèo, cho vay không lấy lãi.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều lao động nông thôn thông qua các lớp đào tạo nghề đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 39.985 lao động được học nghề. Trong đó, đã có 26.847 lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới cho gần 14.800 lao động. Thông qua đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh duy trì được việc làm ổn định cũng đạt trên 80%. Các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, nuôi thủy sản; thú y; kỹ thuật trồng cây có múi, trồng nấm…

Ðáng chú ý là sự thay đổi trong nhận thức của người lao động sau khi tham gia học nghề. Nếu như trước đây, nhiều người lao động đăng ký chỉ để được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ sinh hoạt phí thì đến nay cơ bản người lao động đã nhận thức rõ tham gia học nghề sẽ giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, như: Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình chị Chui Thị Xứng, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất chăn nuôi của gia đình ông Lò Văn Muôn, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) mỗi năm thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng trở lên; mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của ông Mùa Chớ Sùng, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; mô hình nuôi trâu của gia đình chị Lò Thị Ðịnh, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm… Những kết quả đó đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top