Vấn đề kỳ này
ĐBP - Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững cần có nhiều giải pháp. Một trong những quyết sách quan trọng mà tỉnh Ðiện Biên đặt ra những năm gần đây là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Yêu cầu các sở, ngành, huyện thị... chú trọng cải cách hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là ban hành các cơ chế, chính sách để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, lập dự án phát triển kinh tế, tham gia làm ăn tại tỉnh.
Kết quả đạt được trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn những năm gần đây là khá ấn tượng. Thông qua các chỉ số đánh giá hàng năm cho thấy, người dân, doanh nghiệp đã từng bước hài lòng với bộ máy công quyền; thời gian giải quyết thủ tục hành chính được tinh giản, rút ngắn hơn. Tuy nhiên, mong muốn của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cải cách hành chính của cơ quan công quyền phải thực hiện tốt, nhanh và thuận lợi hơn nữa. Việc cải cách hành chính phải thực hiện đồng bộ từ tỉnh xuống các sở, ngành, huyện thị... Hiện nay, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ, thống nhất; vẫn còn những bộ phận, cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng do những rào cản này mà qua đánh giá chỉ số cải cách hành chính, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, tỉnh ta giảm 2,01 điểm (giảm 9 bậc so với năm trước đó), đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Tiếp cận với một số người dân, doanh nghiệp, họ cho rằng, quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, tiếp cận các gói tín dụng chính sách... gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Như dự án đường Ðộng lực, có gói thầu 2 năm nay không bàn giao được mặt bằng, hoặc mặt bằng “xôi đỗ”, doanh nghiệp không thể đưa máy móc vào thi công, trong khi tiến độ phải hoàn thành vào năm 2024. Một số dự án xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ, khu đô thị; dự án bán đấu giá đất… cũng vậy. Doanh nghiệp có cảm giác là cơ quan chuyên môn “không chịu động tay”, hoặc chỉ làm theo kiểu “nghe ngóng”, vì sợ sai, sợ trách nhiệm.
Nghe lãnh đạo nhiều doanh nghiệp kể về quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan công quyền và qua thực tế các chỉ số thành phần PCI năm 2022 thấy rằng, những bất cập, tồn tại trong cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân đang có vấn đề.
Nhận thấy những bất cập, tồn tại trong cải cách hành chính, dẫn tới chỉ số PCI tụt hạng trong năm 2022, tỉnh đã đề ra chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng dần hàng năm cả về điểm số và thứ hạng, phấn đấu xếp hạng 35 - 45 vào năm 2025.
Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn, chủ động nghiên cứu sâu các chỉ tiêu, chỉ số thành phần PCI để xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, có giải pháp cụ thể giải quyết nhanh, triệt để những tồn tại, hạn chế và có giải pháp định hướng phát triển bền vững, gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Lãnh đạo các cơ quan phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính thì mới thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Cùng với đó, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện; tránh “việc ai nấy làm, mạnh ai nấy chạy”. Từng cấp, ngành, địa phương cần xây dựng và ban hành kế hoạch hành động trong từng tháng, quý, năm và cho cả giai đoạn; có giải pháp cụ thể, sát thực tế để cải thiện mạnh mẽ, nhanh, bền vững, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các chỉ số đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đặc biệt là những chỉ số, trọng số có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Một trong những vấn đề quan trọng nữa, đó là phải biết nghe và lắng nghe ý kiến góp ý, phải biện của người dân, doanh nghiệp. Nhiều tỉnh phát huy rất tốt mô hình “cà phê doanh nhân”, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp. Qua đó, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị... cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động bàn bạc cơ chế, chính sách, hiến kế, nghĩ cách tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.