ĐBP - Thời gian qua, tỉnh Ðiện Biên đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đơn giản hóa nhiều thủ tục, thúc đẩy giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, thu hút đầu tư.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động sau đào tạo là một trong những nội dung được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương đơn giản hóa các TTHC, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường lao động tại địa bàn tổ chức tuyển dụng lao động làm việc tại các công ty, nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức xuất khẩu lao động ra thị trường nước ngoài. Theo đó, khi có giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện tạo điều kiện, cử cán bộ chuyên môn đồng hành cùng doanh nghiệp xuống cơ sở, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã tổ chức hội chợ việc làm, hội nghị tuyên truyền, giới thiệu và tuyển dụng lao động.
Ðơn cử như vừa qua UBND huyện Ðiện Biên Ðông đã cử cán bộ chuyên môn đồng hành với 2 công ty xuống cơ sở thực hiện công tác tuyển dụng lao động trong thời gian gần 10 ngày.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Khi có doanh nghiệp tiếp cận thị trường lao động địa phương, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi tổ chức tuyển dụng lao động. Tháng 6 vừa qua, huyện Ðiện Biên Ðông đã đồng hành cùng 2 doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng lao động tại 8/14 xã, thị trấn trên địa bàn, gồm: Công ty Vinagimex Hà Nội (tuyển dụng lao động làm việc tại thị trường Singapore) và Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (tuyển dụng lao động làm việc tại khu công nghiệp tỉnh Hải Dương). Kết quả đã tuyển dụng tại chỗ được 10 lao động đi làm việc tại tỉnh Hải Dương và 2 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Singapore. Ðến nay, đã có thêm hơn 20 lao động đăng ký tìm hiểu và làm hồ sơ thủ tục để đi làm việc tại các công ty trên.
Ông Nguyễn Văn Kiên, phụ trách bộ phận nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam chia sẻ: Tiếp cận thị trường lao động tỉnh Ðiện Biên, chúng tôi được UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục để làm việc, tìm kiếm, tuyển dụng lao động. Hiện nay, công ty đang phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để các lao động đi làm việc. Nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, thời gian tới, công ty dự kiến sẽ mở văn phòng đại diện hoặc xây dựng hệ thống cộng tác viên tại các xã để thực hiện công tác tuyển dụng lao động thường xuyên.
Thời gian qua, các sở, ngành, cấp huyện đã đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Ðồng thời, chủ động rà soát, kiến nghị, đề xuất loại bỏ những TTHC đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có chuyển biến tích cực về cải cách TTHC, với nhiều sáng kiến, cách làm hay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, Sở đã xây dựng dự thảo và trình UBND tỉnh ban hành 7 Quyết định công bố danh mục TTHC thay thế, sửa đổi, bổ sung. Ðồng thời, Sở đã trình UBND tỉnh thay thế 1 TTHC cấp tỉnh; sửa đổi, bổ sung 12 TTHC cấp tỉnh và 3 TTHC bãi bỏ cấp tỉnh. Các TTHC được công khai đầy đủ, kịp thời tại các phòng, đơn vị chuyên môn, bảng niêm yết TTHC tại bộ phận “Một cửa” và trên Trang thông tin điện tử của Sở, mục Cải cách hành chính và TTHC tại địa chỉ http://snnptnt.dienbien.gov.vn để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến TTHC của Sở thuận lợi tiếp cận và tra cứu.
Ðến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiện toàn bộ phận “Một cửa”, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh với tên gọi “Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, với khẩu hiệu “Hành chính phục vụ” nhằm đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ. Hiện nay, 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của Sở thực hiện qua bộ phận “Một cửa” đã xây dựng quy trình nội bộ (trong đó có 103 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, 14 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 10 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã). Trong năm 2022, Sở đã xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành 2 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC lĩnh vực Bảo vệ thực vật và lâm nghiệp đối với 3 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Sổ tay “Hướng dẫn tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực bảo vệ thực vật qua dịch vụ bưu chính công ích” là tài liệu mới, gồm các nội dung về Danh mục TTHC lĩnh vực bảo vệ thực vật thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quy trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực bảo vệ thực vật qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định hiện hành; Hướng dẫn thực hiện tiếp nhận và trả kết quả 7 TTHC lĩnh vực bảo vệ thực vật qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cuốn sổ tay mang lại nhiều hiệu quả trong giải quyết TTHC, giúp cán bộ, công chức và những người tham gia giải quyết TTHC lĩnh vực bảo vệ thực vật hướng dẫn được các tổ chức, cá nhân làm hồ sơ, nộp hồ sơ và trả kết quả TTHC lĩnh vực bảo vệ thực vật. Ðồng thời, tiết kiệm thời gian, hạn chế việc đi lại phát sinh kinh phí, giúp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoàn thiện hồ sơ nhanh gọn; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC ngay trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, sổ tay góp phần nâng cao hiệu quả trong giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nắm bắt, tiếp cận đối với những điểm bưu điện thường xuyên thay đổi nhân lực tiếp nhận TTHC.