Vấn đề bạn đọc quan tâm

Nguy cơ chậm tiến độ cầu Thanh Bình

16:12 - Thứ Ba, 01/08/2023 Lượt xem: 6843 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 4 tháng tập trung nhân lực, trang thiết bị máy móc thi công “3 ca 4 kíp”, cầu Thanh Bình, bắc qua sông Nậm Rốm (TP. Điện Biên Phủ) đã hoàn thành đổ mẻ bê tông mặt cầu cuối cùng vào chiều 21/7. Thông tin này làm vui lòng rất nhiều người dân sống hai bên cầu cũng như công dân TP. Điện Biên Phủ.

Vì hơn 4 tháng qua, do nhà thầu ngăn hai đầu cầu để triển khai dự án, người dân phải đi đường vòng xuống cầu A1 hoặc cầu Mường Thanh. “Gần nhà nhưng xa ngõ”, nhất là thời điểm học sinh chưa nghỉ hè, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông trên 2 cây cầu A1 và Mường Thanh đông, có lúc lộn xộn, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, gây bức xúc trong nhân dân.

Biết tin cầu Thanh Bình hoàn thành khối bê tông mặt cầu cuối cùng, bà con vui mừng khôn xiết. Rất nhiều người dân đã hỏi cán bộ thi công, lãnh đạo nhà thầu kể cả chủ đầu tư là liệu cuối tháng 8 này, cầu Thành Bình có hoàn thành, đưa vào sử dụng như cam kết ban đầu? Tuy nhiên, câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó lại nhận được những nụ cười “như mếu” từ đại diện doanh nghiệp.

Dự án cầu Thanh Bình có tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng. Đến nay nhà thầu đã thi công được khoảng 80% khối lượng, tổng giá trị khoảng 80 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư mới bố trí được hơn 30% tổng vốn (khoảng 36 tỷ đồng). Thiếu hụt lượng vốn nhiều như vậy, việc nhà thầu phải kéo dài tiến độ thi công để chờ vốn là điều khó tránh khỏi.

Đại diện nhà thầu cho biết: Nếu chủ đầu tư cấp đủ vốn thì đến nay (cuối tháng 7) đã có thể hoàn thành công trình này - tức là hoàn thành trước thời hạn khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, hiện tại công trình mới hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Được biết, mấy ngày qua nhà thầu đã bắt đầu rút bớt công nhân và phương tiện máy móc để chờ được cấp vốn.

Thông tin cầu Thanh Bình có nguy cơ chậm tiến độ đã khiến hàng trăm hộ dân lo lắng vì sợ ảnh hưởng kéo dài, trong đó có hàng chục cơ sở kinh doanh phía hai đầu cầu. Một doanh nghiệp đầu cầu (phía Cây xăng Thanh Bình) cho biết, mấy tháng qua (khi cầu Thanh Bình thi công) doanh thu của họ giảm 50-60%, trong khi đó vẫn phải duy trì hoạt động mà không được hỗ trợ đồng nào... Do vậy, họ mong muốn cây cầu sớm hoàn thành và thông xe để hoạt động kinh doanh sớm trở lại bình thường.

Trước đó (ngày 13/3), UBND TP. Điện Biên Phủ đã tổ chức khởi công dự án xây dựng cầu Thanh Bình, trên tuyến giao thông quan trọng nối Sân bay Điện Biên đến trung tâm TP. Điện Biên Phủ. Nhà thầu cam kết sẽ thi công tổng lực dự án trong vòng 6 tháng (đúng ra phải 1 năm mới hoàn thành), để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại của nhân dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hai đầu cầu.

Cầu Thanh Bình là dự án trọng điểm của thành phố, là công trình chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn 4 tháng qua, nhà thầu đã làm ngày làm đêm để đẩy nhanh tiến độ. Nay do chủ đầu tư chậm bố trí vốn dẫn tới nguy cơ công trình phải kéo dài.

Đành rằng, với bất cứ doanh nghiệp nào, muốn trụ vững trong cơ chế thì trường, xoay vòng vốn nhanh thì phải có phương án tài chính linh hoạt, kể cả vay ngân hàng. Tuy nhiên, nếu vay nhiều quá sẽ phá vỡ khả năng cân đối của doanh nghiệp. Và theo quy định, ngân hàng ngày càng thắt chặt tín dụng, chỉ cho vay theo kế hoạch cấp vốn hàng năm của dự án mà chủ đầu tư phân bổ.

Trước thực trạng đó, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và nhà thầu cần bàn bạc, tính toán, sớm bố trí vốn kịp thời cho nhà thầu thi công hoàn thành cầu Thanh Bình đúng cam kết. Không để công trình kéo dài gây bức xúc trong nhân dân và là nguy cơ làm vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top