7 tháng hoàn thuế hơn 70.000 tỷ đồng, 80% hoàn trước kiểm sau

10:27 - Thứ Hai, 07/08/2023 Lượt xem: 4442 In bài viết

7 tháng năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các DN là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế. Trong các trường hợp hoàn thuế vừa nêu, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm 1 là hoàn trước-kiểm sau, còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước-hoàn sau.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Đối với trường hợp hoàn trước-kiểm tra sau thì quy định là 6 ngày, còn đối với kiểm tra trước-hoàn sau, quy định là 40 ngày - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trao đổi thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua về vấn đề hoàn thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Theo quy định hoàn thuế GTGT hiện nay đã có trong Luật Quản lý thuế, chia rõ ra 2 trường hợp là hoàn trước-kiểm sau và kiểm trước-hoàn sau.

Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi DN trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn trước-kiểm tra sau thì quy định là 6 ngày. Còn đối với kiểm tra trước-hoàn sau, quy định là 40 ngày.

Theo thống kê, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. Riêng 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các DN là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế. Trong các trường hợp hoàn thuế vừa nêu, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm 1 là hoàn trước-kiểm sau; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước-hoàn sau.

Lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích, muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về DN, người dân, chúng ta cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân do đâu. 

Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan Nhà nước, cơ quan thuế, một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan Nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa. Trước hết, chúng ta cần phải rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, xét điều gì chúng ta có thể cải tiến được, thay đổi được, rút ngắn quy trình này lại, vừa bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Về các giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, ngành thuế đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu về DN, từ đó phân tích các dữ liệu để sàng lọc và chủ động xử lý những DN có rủi ro trước, giảm đi những DN phải kiểm trước rồi hoàn sau.

Cũng theo Thứ trưởng, cần nâng cao năng lực cho cán bộ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan thuế, đồng thời cũng nâng cao năng lực của DN trong hiểu biết các quy định về pháp luật của ngành thuế; chủ động, tự giác thực hiện các quy định của ngành thuế trong tài chính, trong thuế, đặc biệt là trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ thuế.

"Chúng tôi đã chỉ đạo nghiêm việc phải thực hiện đúng các quy trình, quy định của pháp luật, không được gây khó khăn cho DN khi hoàn thuế. Đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm nếu như DN có vi phạm, gian lận trong quá trình hoàn thuế giá trị gia tăng", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Trước đó, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho hay: Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, gồm: Hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. 

Cùng với đó là tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế GTGT để bảo đảm các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế GTGT được kịp thời, nhanh chóng, đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.

Cơ quan thuế sẽ tục báo cáo Bộ Tài chính có kiến nghị cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký kinh doanh có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập DN. 

Sau khi cấp phép thành lập DN có chế độ kiểm tra hậu kiểm các điều kiện mà DN đăng ký có đúng như DN đã đăng ký ban đầu khi khai hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập DN để kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập các DN nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT để trục lợi, gian lận tiền thuế. 

Còn tại cuộc họp về rà soát, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng vừa qua, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đề nghị Vụ Chính sách đề xuất, bổ sung việc sửa đổi luật, bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành luật;  lưu ý nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế để hoàn thiện dự thảo trình Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính kịp triển khai theo tiến độ, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên Chính phủ với các yêu cầu cụ thể. 

Trong đó, đáng chú ý, cơ quan thuế đang nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về đối tượng không chịu thuế GTGT để thu hẹp hơn nữa phạm vi áp dụng nhằm bảo đảm tính liên hoàn của sắc thuế này, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế.

Theo chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top