Kiểm soát hoạt động thương mại điện tử còn khó khăn

09:13 - Thứ Tư, 23/08/2023 Lượt xem: 5520 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMÐT) trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn TMÐT; tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản TMÐT đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn TMÐT đạt 50%. Qua đó, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.

Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.X.Q có hành vi vi phạm hành chính không thông báo website thương mại điện tử bán hàng. Ảnh: C.T.V

Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay việc kinh doanh trên sàn TMÐT vẫn còn nhiều thách thức. Những rủi ro liên quan đến tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế, việc mua hàng qua mạng tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng bởi không ít tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Ðể đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng thực hiện việc mua sắm tại các website TMÐT, các sàn giao dịch điện tử uy tín để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thúc đẩy TMÐT phát triển theo chiều hướng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến hơn 400 lượt tổ chức, cá nhân về kinh doanh, buôn bán liên quan đến TMÐT. Ðồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMÐT hoặc ứng dụng công nghệ số để kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thời trang, may mặc, đồ điện... có sử dụng nền tảng TMÐT, các trang mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm. Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ðiển hình, giữa năm 2022, sau khi nhận được thông tin của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về việc website TMÐT bán hàng tadinhquystore.vn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thủ tục thông báo theo quy định, Ðội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TMÐT đối với hộ kinh doanh N.X.Q trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Qua kiểm tra, ông N.X.Q chủ hộ kinh doanh đồng thời là chủ sở hữu, sử dụng website tadinhquystore.vn đã có hành vi vi phạm hành chính “không thông báo website TMÐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng” với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Ðoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.X.Q với số tiền 10 triệu đồng.

Thời gian qua số vụ việc được phát hiện, xử lý trên địa bàn tỉnh còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMÐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang website, đặc biệt trên mạng xã hội... gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên môi trường điện tử, mạng xã hội gặp không ít khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Ðể tổ chức một cuộc kiểm tra và xác định vị trí, địa điểm, đối tượng vi phạm là không hề dễ. Các đối tượng dễ dàng giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ... Mặt khác, các đối tượng kinh doanh hàng hoá vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra và xử lý.

Ðể đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng, thời gian tới tỉnh Ðiện Biên thực hiện nghiêm Quyết định số 319/2023/QÐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT đến năm 2025. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMÐT, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top