Vấn đề kỳ này

Khai thác hiệu quả kinh tế rừng

09:11 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 4664 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, chủ yếu đất rừng. Ðây được xem là thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế rừng (khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế), cây dược liệu dưới tán rừng, trồng cây mắc ca, cao su… mang lại giá trị kinh tế cao.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra mô hình trồng sâm của HTX 7/5 tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà.

Do vậy, ngày 29/7/2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết hợp lòng dân; bên cạnh đó là sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm của các cấp, ngành liên quan nên sau gần 3 năm thực hiện, tại các địa phương, kinh tế rừng được “đánh thức” ngày càng hiệu quả.

Tuỳ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu, các loại cây rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu quý đã được trồng ngày càng nhiều. Từ năm 2021 đến nay, đã trồng mới được 83,5ha cây thảo quả, 165ha cây sa nhân; 206ha táo mèo; trồng và chăm sóc 2,3ha cây dược liệu dưới tán rừng (sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu) và 544ha cây quế.

Tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên… diện tích trồng rừng kinh tế, cây mắc ca, cao su đang phủ xanh và tăng lên theo năm. Các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé… ngoài khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có là các mô hình trồng sa nhân, trồng quế… hứa hẹn thu nhập cao trong tương lai gần.

Phần lớn các huyện đang tập trung đẩy mạnh dự án trồng cây mắc ca. Ðã tổ chức trồng được 6.528ha, tăng 3.889ha so với năm 2020; trong đó, diện tích thực hiện của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là 5.961ha. Trước mắt, việc mở rộng diện tích mắc ca còn một số vướng mắc đang được tập trung giải quyết. Nhưng về lâu dài, cây mắc ca sẽ là đòn bẩy giúp người dân vùng dự án xoá đói giảm nghèo bền vững. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, các dự án mắc ca còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tránh tình trạng người dân phải “tha hương” làm ăn như hiện nay.

Nằm ở đầu nguồn các con sông nên phần lớn diện tích rừng của tỉnh được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Người dân hưởng lợi trực tiếp với khoản tiền hàng năm khá lớn nên càng quan tâm, chú trọng hơn công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; tích cực trồng rừng kinh tế, rừng thay thế.

Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển kinh tế, xem rừng như “lá phổi xanh” bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu… nhờ đó, diện tích có rừng toàn tỉnh đến nay ước đạt 419.765ha, tương đương tỷ lệ che phủ đạt 44%, tăng 1,34% so với năm 2020.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành Nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: tốc độ phát triển tương đối cao so với cả nước và khu vực, song thiếu bền vững. Giá trị sản xuất chưa cao, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đạt kỳ vọng...

Muốn đi xa phải đi cùng nhau, do vậy, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh từ rừng phải có định hướng của cấp uỷ Ðảng, chính quyền các cấp một cách rõ ràng, theo lộ trình cụ thể. Với người dân, dù có năng động, sáng tạo, nhiệt tình đến mấy thì việc khai thác, phát triển kinh tế rừng cũng thường mang tính bộc phát, manh mún, quy mô nhỏ. Rất cần thiết phải có sự bắt tay, liên kết của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, các hợp tác xã để bao tiêu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Vấn đề này đã được tỉnh chú trọng, đề cập, nhưng chính sách thu hút còn hạn chế, chưa rõ ràng nên có ít nhà khoa học, doanh nghiệp bắt tay làm ăn. Phần lớn các sản phẩm khai thác, tận thu từ rừng, cây dược liệu dưới tán rừng thời gian qua người dân vẫn tự lo đầu ra. Tự sản tự tiêu nên xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, gây mất lòng tin giữa người dân với các chính sách phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng của tỉnh.

Chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, kinh tế lâm nghiệp nói riêng cũng khác nhau. Không loại trừ có doanh nghiệp được lựa chọn tham gia đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn yếu kém, dẫn tới làm ăn không hiệu quả. Trong khi có doanh nghiệp địa phương rất tâm huyết, trách nhiệm lại không được lựa chọn, tạo điều kiện, đã vô tình đánh mất cơ hội thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh.

Nghị quyết 09-NQ/TU xác định, lĩnh vực nông, lâm nghiệp đến năm 2025 vẫn chiếm vai trò rất quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Do vậy, ngoài khuyến khích người dân yên tâm, gắn bó với rừng, với các dự án kinh tế: cao su, mắc ca, sa nhân, cây quế; các loại cây dược liệu; cây ăn quả… theo mô hình “tiểu điền” thì cần chú trọng phát triển kinh tế “đại điền”. Một trong những quyết sách để “làm ăn lớn” là phải tạo điều kiện thuận lớn bằng các cơ chế, chính sách để thu hút nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã đến đầu tư làm ăn. Sản xuất, kinh doanh theo quy mô lớn, vấn đề đầu ra được giải quyết, giá cả theo cơ chế thị trường thì cả người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi, như thế sẽ giúp tỉnh tăng thu ngân sách và chủ động nguồn lực tái đầu tư cho phúc lợi xã hội.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top