Nông dân TP. Ðiện Biên Phủ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

09:30 - Chủ Nhật, 12/11/2023 Lượt xem: 7968 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân TP. Ðiện Biên Phủ triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần khơi dậy tiềm năng, quyết tâm của hội viên trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Dương Ðình Tám chăm sóc cây ăn quả.

Sau khi lập gia đình, anh Dương Ðình Tám (sinh năm 1974), tổ 2, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) bắt đầu xây dựng kinh tế nhưng gặp nhiều khó khăn về vốn. Ðược cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ vay vốn, anh mạnh dạn mở cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy. Ðến năm 2012, anh mua đất tại xã Thanh Nưa để phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Anh Tám cho biết: “Ở phường không có quỹ đất để làm mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tôi đi tìm mua đất ở khu ven thành phố. Ban đầu, tôi chỉ mua với diện tích 6.000m2 trồng mít, bưởi, cam, sau khi thấy mô hình phát triển tốt, tôi mở rộng diện tích lên hơn 3ha và trồng thêm nhiều loại cây ăn quả khác. Không chỉ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình ở trong và ngoài tỉnh, tôi còn tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức. Năm 2022, tôi tiếp tục đầu tư trồng 20ha mắc ca tại xã Thanh Minh”.

Hiện nay, cùng với kinh doanh phụ tùng xe máy, gia đình anh Tám có  hơn 3ha trồng các loại cây ăn quả (mít, bưởi, cam, táo), cây sa nhân và nuôi 200 con gà, 10 con lợn sinh sản đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Mô hình tạo việc làm ổn định cho 8 nhân công với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ với thù lao 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Nhiều năm, anh Tám được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thành phố và tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thanh cho biết: Hội Nông dân phường có 660 hội viên, sinh hoạt tại 10 chi hội. Ða số các hội viên kinh doanh, buôn bán tại nhà, một số hội viên phát triển trang trại nhưng ở ngoài địa bàn phường do không có quỹ đất để đầu tư. Những năm qua, Hội Nông dân phường đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh, qua đó, đã xuất hiện các điển hình phát triển kinh tế, như hội viên Dương Ðình Tám, Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Văn Hổ, Phùng Văn Tiến, Trần Ngọc Dương, Ðặng Thị Nhẫn… có mức thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Toàn hội có 8 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 12 hộ đạt cấp thành phố, 12 hộ cấp cơ sở.

Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là trọng tâm, các cấp Hội Nông dân TP. Ðiện Biên Phủ đã tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí; phối hợp chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, nhân rộng những điển hình tiên tiến; tham quan học tập các mô hình hiệu quả để vận dụng vào sản xuất kinh doanh tại địa phương. Nhờ đó, phong trào ngày càng lan tỏa, rộng khắp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; tạo động lực khích lệ hội viên hăng hái thi đua sản xuất, tạo điều kiện để hội viên trao đổi kinh nghiệm cách làm hay, mô hình hiệu quả, giúp nhau làm giàu chính đáng. Toàn thành phố có 346 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, cấp trung ương 13 hộ, cấp tỉnh 31 hộ, cấp thành phố 116 hộ, cấp cơ sở 186 hộ.

Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Hội viên Vàng A Châu, bản Nà Pen, xã Nà Nhạn với mô hình nuôi cá, diện tích 1ha, thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Hội viên Ðặng Công Tiến, bản Huổi Phạ, phường Him Lam với mô hình chăn nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập 350 - 450 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động, mức thu nhập  4 - 7 triệu đồng/người/tháng…

Ông Ðỗ Thành Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước liên kết theo chuỗi giá trị, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; góp phần tạo sự đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian tới, Hội tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, vận động hội viên nông dân phát huy thế mạnh, điều kiện, tiềm năng sẵn có của mỗi xã, phường để phát triển kinh tế hộ gia đình…

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top