Xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp "sân sau" của ngân hàng

16:44 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 4571 In bài viết

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội nêu rõ, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 6. 

Trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, sáng 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết.

Theo đó, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc.

Do đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực, trong đó, tập trung thực hiện 20 nội dung lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Lễ bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. 

Đào tạo hơn 50.000 nhân lực cho ngành sản xuất chip bán dẫn

Trong lĩnh vực giáo dục và Đào tạo Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025; thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp trong năm 2024,…

Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non khi cải cách chính sách tiền lương phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế Việt Nam; có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm,…

Về đào tạo sau đại học, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, tài sản công, mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu và chất lượng, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo được 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030,…

Giải quyết vướng mắc trong thanh toán nợ đọng dịch Covid-19

Trong lĩnh vực y tế, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, khu, cụm công nghiệp.

Trong năm 2024, có phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động và có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan Bảo hiểm xã hội nợ thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế,…

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ cần hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và có giải pháp phù hợp sử dụng hiệu quả gói cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp lần thứ 6.

Đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2025

Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề nghị Chính phủ thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, nhất là tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng...

Khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2025; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân; rà soát, không để có các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân.

Nghị quyết nếu rõ, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các luật có liên quan để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top