Tăng cường kiểm soát thị trường thương mại điện tử

07:24 - Thứ Bảy, 03/08/2024 Lượt xem: 2655 In bài viết

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, cơ hội để người kinh doanh tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm. Tuy nhiên, thị trường này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến không ít đối tượng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đội quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng bán máy tính linh kiện điện tử trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

Thách thức với công tác quản lý Nhà nước 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến, chiếm 91%. 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế… 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận sự ra quân mạnh mẽ của Cục Quản lý thị trường tỉnh đối với việc xử lý vi phạm về thương mại điện tử. Mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hai chủ sở hữu của website thương mại điện tử bán hàng có địa chỉ tên miền htttps://maytinhninhbinh.com và htttps://nguyengialaptop.com. 

Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra xác định chủ sở hữu của các website thương mại điện tử bán hàng: https://maytinhninhbinh.com và htttps://nguyengialaptop.com đang sử dụng website để hoạt động thương mại điện tử nhưng không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công Thương) trước khi bán hàng. Ngoài ra, hai chủ sở hữu sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai chủ sở hữu hai website thương mại điện tử bán hàng trên với tổng số tiền xử phạt là 45 triệu đồng vì hành vi: Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. 

Đồng chí Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đánh giá: Thời gian gần đây, kinh doanh trên thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đặc biệt xu hướng livestream trong mua sắm trực tuyến ngày càng bùng nổ, làm thay đổi hành vi tiêu dùng và thúc đẩy doanh thu cao cho các doanh nghiệp. Các mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử chủ yếu gồm: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng và thiết bị công nghệ… Cùng với đó các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên thương mại điện tử ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. 

Theo thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh đã kiểm tra, xử lý 17 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Bao gồm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trưng bày để bản hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và một số hành vi khác... Qua đó đã xử phạt với số tiền là trên 628 triệu đồng; trị giá tang vật tịch thu trên 656 triệu đồng. Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, Cục Thuế tỉnh xác định công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. 

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Triển khai chỉ đạo của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế, tăng cường khai thác, rà soát cơ sở kinh doanh thương mại điện tử, tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường công tác quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới, tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội… 

Lũy kế thực hiện 6 tháng đầu năm: Cục Thuế đã đưa 30 doanh nghiệp, 229 cá nhân vào diện rà soát. Kết quả xử lý sau khi rà soát có 18 doanh nghiệp, cá nhân bị xử lý vi phạm với tổng số thuế truy thu gần 200 triệu đồng, xử lý vi phạm 8 triệu đồng. 

Để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh số 

Mặc dù đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng nhưng theo các chuyên gia, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, thương mại điện tử là vấn đề quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. 

Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Ninh Bình, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Để lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử và kinh tế số, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử. 

Đồng chí Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, website bán hàng, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter… nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là tình trạng các mặt hàng cấm kinh doanh; hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. 

Trước mắt, các cơ quan chức năng phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trực tuyến. Từ đó, kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh thương mại điện tử tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. 

Nguyễn Thơm
Bình luận

Tin khác

Back To Top