Xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh

15:43 - Thứ Hai, 09/09/2024 Lượt xem: 3889 In bài viết

ĐBP - Tình trạng giết mổ, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật mắc bệnh làm gia tăng nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến lĩnh vực chăn nuôi và sức khoẻ người dân. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.

Người dân xã Mùn Chung bị mắc bệnh nhiệt thán do giết mổ trâu bị bệnh ốm chết để ăn thịt.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan chức năng tăng cường hoạt động phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật bị mắc bệnh và các sản phẩm động vật từ vùng có dịch ra khỏi địa bàn để tiêu thụ. Nhưng trên thực tế vẫn khó kiểm soát. Vì lợi nhuận kinh tế, nhiều hộ chăn nuôi vẫn bán tống, bán tháo; giết mổ gia súc, gia cầm khi bị mắc bệnh hoặc ốm chết.

Đơn cử, ngày 7/8/2024, trên địa bàn bản Bó Lếch, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) ghi nhận 6 người mắc bệnh nhiệt thán. Nguyên nhân do khi phát hiện trâu ốm chết, người dân không báo với chính quyền địa phương, nhân viên thú y, mà tự ý giết mổ, ăn thịt. Điều đáng nói, bản Bó Lếch từng là ổ dịch nhiệt thán cũ và đã từng ghi nhận các ca mắc bệnh nhiệt thán trên người và động vật tại đây.

Ông Quàng Văn Thiêm, bản Bó Lếch, xã Mùn Chung, là người mắc bệnh nhiệt thán, cho biết: Ngày 27/7, gia đình Quàng Văn May (cùng bản) có con trâu ốm, chết nhưng không báo cơ quan chức năng biết, xử lý mà kêu gọi người dân trong bản (60 người) tham gia giết mổ, ăn thịt. 3 ngày sau đó, 6 người xuất hiện các triệu chứng như nổi nốt mẩn đỏ, lở loét ở tay chân. Sau khi xét nghiệm thì có kết quả mắc bệnh nhiệt thán do tiếp xúc, ăn thịt trâu mắc bệnh.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan diện rộng và một số địa phương đã công bố dịch. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 227 hộ chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi, với số lợn tiêu hủy 818 con (trọng lượng gần 43,4 tấn). Tuy nhiên, bên cạnh những hộ khai báo cơ quan chức năng thì vẫn còn những hộ chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn bệnh để thu hồi vốn.

Cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là một trong những xã có dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nhất. Chỉ tính từ tháng 5 - 8/2024, cả xã đã tiêu hủy hơn 10 tấn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Ông T. chủ trại chăn nuôi lợn tại thôn An Bình, xã Thanh Hưng cho biết: Thời gian qua, tình trạng vận chuyển công khai, mua bán lợn tại các vùng đã công bố dịch vẫn diễn ra, chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Không ít hộ chăn nuôi có lợn ốm hoặc nghi ốm đã tranh thủ bán tháo để thu hồi vốn mà không quan tâm đến nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Trước diễn biến các loại dịch bệnh ngày một phức tạp, ảnh hưởng tình hình phát triển kinh tế các hộ chăn nuôi, sức khỏe người dân, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh, vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường tự nhiên; bán lợn cho các tiểu thương làm lây lan dịch bệnh… Chỉ đạo lực lượng kiểm dịch động vật tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp kiểm dịch đối với việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác kiểm soát giết mổ toàn tỉnh được gần 31.000 con trâu, bò, ngựa, lợn; thực hiện kiểm dịch động vật, xuất tỉnh được gần 8.000 con trâu, bò, lợn và gần 318 tấn sản phẩm động vật (thịt trâu, bò khô). Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung.

Hiện nay toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung, gây khó khăn trong công tác kiểm soát, kiểm dịch. Trong ảnh: Cơ sở giết mổ tại chợ Mường Thanh Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Hiện nay việc kiểm soát, kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ động vật mới chủ yếu tập trung ở địa bàn thuận lợi, như thành phố, trung tâm các huyện, thị xã và ở những trạng trại, gia trại quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung, mà chủ yếu tự phát tại các chợ, khu dân cư. Còn đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh  mún thì việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ vẫn gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ dân không phối hợp với cơ quan chức năng trong khai báo, tiêu hủy động vật bị mắc bệnh.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, giết mổ, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, chi cục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, các đơn vị liên quan cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn đến các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm nghi nhiễm bệnh, bị bệnh, chết. Chính quyền cấp huyện, xã phải có trách nhiệm tổ chức điều tra, theo dõi xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, trâu, bò với mục đích giết mổ; rà soát liên tục tổng đàn để theo dõi biến động tại cơ sở. Bên cạnh sự vào cuộc cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân. Không tham gia giết mổ, vận chuyển động vật ốm, chết, mắc bệnh, nghi mắc bệnh; đồng thời khai báo chính quyền, cơ quan chức năng khi nghi đàn vật nuôi có dấu hiệu mắc các loại dịch bệnh.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top