ĐBP - Khoảng 2 tháng gần đây, giá lúa gạo trong cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng liên tục tăng cao. Người trồng lúa phấn khởi, có lãi. Thế nhưng, giá gạo tăng cao cũng tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là hộ nghèo.
Dạo qua một số đại lý bán lẻ gạo trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi ghi nhận giá gạo đang ở mức cao. Theo các tiểu thương kinh doanh gạo, khoảng 2 tháng qua, giá gạo trên thị trường liên tục tăng. Đến nay, giá gạo đã tăng trung bình từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu năm. Trong đó, một số loại gạo địa phương tăng cao như: Tám thơm 20.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg); séng cù 35.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg); nếp nương 40.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg)… Không chỉ gạo, giá lúa đầu vào cũng tăng từ 2 - 3 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá lúa Bắc thơm số 7 dao động từ 15 - 18 nghìn đồng/kg, séng cù từ 18 - 21.000 đồng/kg, nếp nương từ 16 - 20.000 đồng/kg...
Theo bà Đinh Thị Lượng, đại lý gạo tại chợ Nam Thanh, hơn một tháng qua, giá gạo bán lẻ trên địa bàn tỉnh tăng liên tục, nhất là đối với các loại gạo đặc sản như tám thơm, séng cù, ST25, nếp nương… Nguyên nhân do năm nay giá gạo xuất khẩu cả nước tăng cao đã tác động đến thị trường gạo Điện Biên. Trong khi đây là loại lương thực thiết yếu, nhu cầu sử dùng hàng ngày lớn. Bên cạnh đó, mưa lũ đã gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, gạo của tỉnh.
Giá lúa gạo tăng cao mang lại niềm phấn khởi lớn cho người trồng lúa. Anh Quàng Văn Lả, nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy gần 5.000m2 giống lúa đài thơm và tám thơm, năng suất đạt khoảng 55 tạ/ha. Do ảnh hưởng của mưa lũ, năng suất, sản lượng bị ảnh hưởng, nhưng bù lại giá gạo tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Chỉ mong giá lúa, gạo giữ được cao như vậy, đời sống người trồng lúa khấm khá hơn”.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, giá gạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua tăng do nguồn cung cả nước bị giảm mạnh. Đặc biệt sau đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều diện tích lúa mùa ở miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, tác động chung đến giá gạo cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.
Tại Điện Biên, mưa lũ đã làm hàng trăm héc ta lúa vụ mùa đang trong giai đoạn trổ bông, chín bị ngã rạp và hư hỏng; hàng chục héc ta bị mất trắng không thể khôi phục. Vì vậy, năng suất, sản lượng giảm so với vụ mùa năm trước. Cụ thể, diện tích gieo cấy lúa vụ mùa 2024 đạt 21.298ha, năng suất chỉ đạt hơn 54 tạ/ha (vụ mùa năm 2023 năng suất đạt gần 60 tạ/ha).
Huyện Điện Biên là vựa lúa của tỉnh với tổng diện tích gieo cấy vụ mùa hơn 5.400ha, chủ yếu ở vùng lòng chảo (hơn 4.000ha). Tuy nhiên, mưa lũ đã làm hơn 135ha lúa bị thiệt hại trên 70% và mất trắng. Riêng ảnh hưởng cơn bão số 3 cũng đã làm gần 360ha lúa mùa bị thiệt hại từ 30 - 70%.
Cùng với đó, giai đoạn lúa trổ bông gặp mưa nhiều, tạo điều kiện cho sâu bệnh bùng phát trên diện rộng, như bệnh khô vằn, cháy lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông… cũng đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng chung toàn huyện. Vì vậy, vụ mùa năm nay năng suất lúa huyện Điện Biên ước đạt 60 tạ/ha, sản lượng dự kiến 32.686 tấn, thấp hơn kế hoạch 640 tấn. Từ đó, đã phần nào ảnh hưởng đến giá lúa, gạo trên địa bàn tỉnh.
Nếu như người nông dân trồng lúa phấn khởi và có lãi sau thu hoạch, thì gạo tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ nghèo, gia đình khó khăn, công nhân lao động.
Bà Nguyễn Thị Ngân, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10kg gạo. Trước đây, gia đình tôi hay sử dụng gạo tám thơm với giá dao động trên dưới 17.000 đồng/kg, nhưng khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, giá gạo tám thơm đã tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt. Để khắc phục tôi đã đi mua thóc về xát, giá thành rẻ hơn”.
Đối với các đơn vị tiêu thụ lượng gạo lớn, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn... thì tác động của việc tăng giá gạo là khá rõ.
Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một quán cơm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Quán ăn của tôi thường dùng gạo tám thơm để nấu cơm. Cách đây ít tháng, giá gạo ổn định ở mức từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, nhưng gần đây đã tăng lên hơn 20.000 đồng/kg. Giá gạo tăng, nhưng giá bán các suất cơm vẫn giữ nguyên, nếu tăng giá khách hàng sẽ có ý kiến, thậm chí không quay lại. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì, nếu thời gian tới giá gạo tăng cao quá, thì chúng tôi cũng phải tính toán lại cho phù hợp”.
Hiện nay, kinh doanh lúa, gạo trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các siêu thị, một số doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ. Nhờ chủ động được nguồn cung nên việc giá gạo tăng không tác động nghiêm trọng đến việc buôn bán, kinh doanh.
Nhằm bình ổn giá gạo, đảm bảo cung ứng ra thị trường, các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương đang theo dõi sát tình hình giá gạo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị. Kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo để ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.