Thanh An đưa khoai lang thành cây đặc sản

10:11 - Thứ Tư, 06/11/2024 Lượt xem: 2589 In bài viết

ĐBP - Xã Thanh An nằm ở phía Đông Nam huyện Điện Biên, được biết đến với nhiều loại nông sản, trong đó có giống khoai lang ruột trắng, vỏ vàng. Đây là giống khoai lang được trồng khá phổ biến trên cánh đồng Mường Thanh nhưng riêng tại Thanh An lại được đánh giá cao về độ bùi, thơm, bở và được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Vụ đông hằng năm, người dân Thanh An ra đồng, xuống giống “khoai đặc sản Thanh An”.

Sau khi đã hoàn tất việc làm đất, người dân thôn Đồi Cao tập trung xuống giống khoai lang cho kịp thời vụ.

Tuy có giá trị kinh tế nhưng nhiều năm qua, cây khoai được trồng theo kinh nghiệm, diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập mang lại từ cây khoai Thanh An chưa cao. Mong muốn phát triển cây khoai lang theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, năm 2020, chính quyền xã Thanh An tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển khoai lang theo hướng hàng hóa.

Anh Lương Quý Tuấn, trưởng thôn Đồi Cao, xã Thanh An chia sẻ: Khoai lang là loại cây truyền thống có từ bao đời nay, dễ trồng, đầu tư thấp, chịu hạn tốt. Tuy nhiên, những năm trước, khoai lang được trồng phục vụ chăn nuôi, chưa chú trọng đến kinh tế, chưa coi đây là loại nông sản hàng hóa. Hiện nay, nhu cầu sử dụng ngọn, củ khoai lang tăng do thị hiếu người tiêu dùng đã có sự thay đổi, cây khoai lang đã trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Năm nay, thôn Đồi Cao trồng gần 30ha khoai lang, trong đó có những hộ thuê thêm ruộng mở rộng diện tích trồng khoai. Là một trong những hộ có kinh nghiệm trồng khoai nhiều năm, anh Tuấn cho rằng khoai lang dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch kéo dài hơn 4 tháng. Quá trình chăm sóc chỉ cần bón đủ phân và một lần vun là có thể đợi đến lúc dỡ củ. Giống khoai lang "trong trắng, ngoài vàng" thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây nên tạo ra đặc trưng của "khoai Thanh An". Với năng suất 12 - 14 tấn/ha và giá bán dao động 10.000 - 12.000 đồng/kg, có đợt cao điểm giá khoai lên 15.000 đồng/kg. Mỗi héc ta khoai lang mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng khác.

Nông dân xã Thanh An phấn khởi khi được mùa khoai lang… và khoai lang sau khi chế biến.

Sự gia tăng diện tích cây vụ đông, đặc biệt cây khoai lang cho thấy xu hướng phát triển tích cực trong cơ cấu cây trồng, giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của huyện Điện Biên. Để phát triển nông sản địa phương, huyện Điện Biên đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng khoai lang. Theo ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên: Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển cây khoai tại xã Thanh An, Trung tâm phân phối phân bón, vôi và thuốc bảo vệ thực vật cho 8 thôn, bản với tổng diện tích gieo trồng trên 14ha (vốn Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30%). Công tác tập huấn kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kiểm soát sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch được tổ chức thường xuyên; giúp nông dân áp dụng phương pháp sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Hướng tới đưa cây khoai lang trở thành sản phẩm đặc sản tiêu biểu, xã Thanh An đã và đang kết nối với các doanh nghiệp, cộng đồng tích cực quảng bá, giới thiệu đặc sản khoai lang Thanh An. Đồng thời định hướng và quy hoạch vùng trồng khoai lang tập trung; phối hợp cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân cách thu hoạch, sơ chế, bảo quản đảm bảo sản phẩm sạch khi đưa ra thị trường. Ông Lò Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Đến nay, xã đã quy hoạch hơn 52ha trồng khoai lang. Dù chưa được công nhận là cây trồng chủ lực nhưng hiện cây khoai lang được đánh giá là cây trồng thế mạnh của xã Thanh An bên cạnh chăn nuôi và trồng lúa.

Bài, ảnh: Quang Hùng
Bình luận

Tin khác

Back To Top