Cảnh giác với những chiêu trò lừa tiền trên mạng tại Đà Nẵng

15:28 - Thứ Ba, 20/09/2022 Lượt xem: 5546 In bài viết

Công an thành phố Đà Nẵng đang điều tra nhiều vụ việc nạn nhân bị lừa đảo khi tìm việc trên mạng hoặc bị đối tượng giả danh công an, kiểm sát chiếm đoạt số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Một số hình thức lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tiền phổ biến hiện nay.

Ngày 20-9, Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng thông tin, đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xảy ra trên địa bàn. Nạn nhân là anh P.A.T (sinh năm 1987, trú phường An Khê), đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng với số tiền gần 200 triệu đồng.

Theo nội dung đơn trình báo, vào lúc 8h ngày 17-9, anh T có nhận tin nhắn quảng cáo về việc làm nên có liên hệ với số điện thoại +04927226094. Ngay sau đó, anh T được "hướng dẫn viên" bày cách thực hiện nhiệm vụ nhận tiền và có liên kết với số tài khoản 56010000196062 tại Ngân hàng BIDV.

Qua nhiều lần giao dịch, anh T đã chuyển tiền vào số tài khoản 9382693362 Ngân hàng Vietcombank với tổng số tiến gần 200 triệu đồng. Đến lúc đã chuyển đi số tiền lớn như vậy mà vẫn chưa được nhận vào làm, anh T mới nhận ra mình bị lừa, nên đến công an phường trình báo. Vụ việc được chuyển lên Công an quận Thanh Khê xử lý, điều tra.

Trước đó, hồi cuối tháng 8-2022, Công an quận Thanh Khê đã tiếp nhận trình báo của chị N.T.H.T (sinh năm 1983, trú phường Thanh Khê Tây) bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua internet mất hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, vào chiều 4-8, chị T nhận được điện thoại từ số 02471098935 với nội dung thông báo chị có liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại ngã tư Điện Biên Phủ giao Nguyễn Tri Phương. Khi chị T trả lời không biết gì đến vụ việc trên thì được thông báo thông tin cá nhân của chị đã bị lộ nên sẽ được chuyển máy đến Công an thành phố Đà Nẵng để được hỗ trợ.

Sau khi chuyển máy có một người tự xưng là cán bộ Công an thành phố Đà Nẵng gọi thông báo chị T có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và hướng dẫn chị tải phần mềm "Ứng dụng bảo mật" về để khai báo. Chị T làm theo hướng dẫn và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên phần mềm "Ứng dụng bảo mật". Sau khi chị T điền thông tin thì đến khoảng từ 17h17 đến 20h20 cùng ngày, tài khoản ngân hàng của chị T bị trừ 7 lần với số tiền tổng cộng là 1.042.002.000 đồng.

Đối tượng lừa đảo giả danh là người của cơ quan bảo vệ pháp luật để lừa nạn nhân.

Thực tế các vụ việc cho thấy, các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm và tìm việc làm trên mạng để giăng bẫy "con mồi", sau đó chiếm đoạt tài sản. Đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi, ít để lại dấu vết do tội phạm sử dụng công nghệ cao, khiến cho công tác điều tra phát hiện, ngăn chặn gặp không ít khó khăn.

Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua mạng tinh vi như thế này. Khi gặp những trường hợp tương tự như thế này thì không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các đối tượng, sau đó cần đến ngay cơ quan Công an gần nhất để trình báo, vừa bảo vệ tài sản của bản thân, vừa giúp lực lượng chức năng kịp thời đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo này.

Công an thành phố Đà Nẵng đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi đăng ký việc làm như làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác...

Người dân cũng cần lưu ý, khi cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, các cơ quan chức năng khác cần làm việc với người dân, sẽ có giấy mời, giấy triệu tập để trực tiếp làm việc và không làm việc qua điện thoại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top