Điểm mặt các thủ đoạn buôn lậu

09:35 - Thứ Năm, 23/02/2023 Lượt xem: 6856 In bài viết

Tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 22/2, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hoạt động mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng cấm qua biên giới cũng như qua đường hàng không, bưu chính quốc tế đang diễn biến phức tạp.

Buôn lậu qua đường hàng không gia tăng

Ông Lê Thanh Hải cho hay, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm đáng kể, không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, đáng chú ý, hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy, chất cấm từ bên ngoài vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La vào Việt Nam để trung chuyển sang nước khác tiêu thụ "nóng" lên trong những tháng cuối năm 2022.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát phòng, chống buôn lậu tại các sân bay.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các đối tượng lợi dụng việc đi lại qua các đường mòn, lối mở, kênh rạch, sông, suối biên giới thuận tiện để buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, trâu, bò, rượu, bia, vàng, ngoại tệ, lúa gạo, hàng tạp hóa... từ Campuchia vào Việt Nam.Đáng chú ý, các đối tượng vi phạm cũng tận dụng nhiều hình thức vận chuyển để đưa các chất cấm này vào Việt Nam, như vận chuyển qua đường biển, đường hàng không và bưu chính quốc tế.

Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa khác qua đường hàng không và bưu chính quốc tế như Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) có chiều hướng tăng cả về quy mô và số lượng. Các đối tượng lợi dụng hoạt động chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính qua các tuyến hàng không, khai báo hàng hóa gửi từ nước ngoài về Việt Nam dưới dạng quà tặng, quà biếu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2022 lực lượng hải quan đã phát hiện và xử lý gần 18.000 vụ vi phạm, trong đó, thu giữ hơn 1 tấn ma túy các loại. Hàng lậu, gian lận thương mại bị tịch thu lên tới gần 9.000 tỷ đồng. "Đáng chú ý, có những vụ vi phạm có quy mô rất lớn như hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng đóng gói bao bì "Made in Vietnam" và đưa vào trong nước để tiêu thụ nội địa, thậm chí trà trộn với hàng hóa xuất khẩu hòng gian lận xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế. Điển hình riêng ở cảng Cát Lái trong năm 2022, chúng tôi phát hiện và bắt giữ 1 doanh nghiệp có 41 container hàng dây cáp điện. Cơ quan Hải quan đã khởi tố vụ án và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra, xử lý", ông Cẩn thông tin.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng cho biết, trong năm 2022, lực lượng biên phòng phát hiện và triệt phá thành công 109 chuyên án, thu giữ gần 1,3 tấn ma tuý. Từ đầu năm đến nay đã phá thành công 3 chuyên án lớn và thu giữ gần 1 tạ ma tuý. Tuyến Việt Nam - Lào vẫn nóng về ma tuý, các đối tượng lợi dụng sự thông thương qua cửa khẩu, theo đó cất giấu ma tuý vào hàng hoá để vận chuyển ma tuý qua biên giới.

Đặc biệt, theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, hiện đang nổi lên hiện tượng mới là ma tuý trôi dạt trên biển. Qua theo dõi trên hệ thống và thông tin từ quốc tế thì tội phạm ma tuý ở nước ngoài đang sử dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma tuý, có thể có những vụ việc lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, các đối tượng vứt ma tuý xuống biển. Thống kê cho thấy, từ năm 2019 đến nay đã thu giữ trên 13 vụ với trên 120kg ma tuý trôi dạt trên biển. Vừa qua, lực lượng biên phòng đã thu giữ hơn 3 vụ, trên 40kg ma tuý các loại, tại 3 tỉnh nam miền Trung.

Dự báo vận chuyển ngoại tệ, vàng qua biên giới sẽ diễn biến phức tạp.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh chống buôn lậu

Nhận định về tình buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, dự báo sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại toàn diện hoạt động thông quan thì nguy cơ buôn lậu trên các tuyến biên giới sẽ nóng. Do đó, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, bảo vệ sản xuất trong nước thì tuyệt đối không cho ôtô đi qua đường mòn, lối mở. Vì đường mòn lối mở là khu vực dành cho cư dân biên giới. Nên ôtô đi qua khu vực này là chỉ có buôn lậu.

Đại tá Vũ Như Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua Công an đã phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác của các bộ ngành kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trên các tuyến trọng điểm. Một số điểm nóng trước đây đã được các lực lượng chức năng kiểm soát tốt. Bộ Công an cùng với các đơn vị đã phối hợp triệt phá một số đường dây tổ chức quy mô rất lớn, cộm cán làm cho một số tuyến, địa bàn trọng điểm được hạ nhiệt.

Dự báo xu hướng sắp tới, Đại tá Vũ Như Hà nhận định, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại sẽ chủ yếu hoạt động núp bóng pháp nhân và đi qua cửa khẩu chính ngạch. Lượng hàng hóa vi phạm sẽ tăng mạnh. Ngoài các mặt hàng trọng điểm xăng dầu, đường, thuốc lá thì vận chuyển ngoại tệ, vàng sẽ diễn biến phức tạp.

Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tới đây, các lực lượng ở biên giới như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển sẽ phối hợp chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng gian lận xuất xứ. Đồng thời phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát giữa các lực lượng ngay tại khu vực đường mòn lối mở. Bên cạnh đó, kết nối để điều tra, xác minh giữa các lực lượng ở khu vực biên giới và trong nội địa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Văn phòng Thường trực tiếp thu, rà soát các nội dung đề xuất, kiến nghị giải pháp của các ngành. Các lực lượng chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức thủ đoạn hoạt động; xác định tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm về gian lận thương mại, hàng giả, kịp thời tham mưu, đề xuất, có phương án phối hợp để đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, góp phần răn đe phòng ngừa và xử lý nghiêm những vụ việc nổi cộm. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top