Ngăn chặn lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng

15:26 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 4645 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, số vụ lừa chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tăng, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng. Trước thực trạng đó, các ngân hàng thương mại đã tăng cường triển khai các giải pháp giúp khách hàng nâng cao cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu. Ðồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên ngân hàng. Qua đó ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng.

Cán bộ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch tại hội sở chi nhánh.

Ðầu tháng 6 vừa qua, Phòng giao dịch Tuần Giáo, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Ðiện Biên đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua mạng với số tiền 1,08 tỷ đồng. Theo đó, chiều 13/6, ông N.T.L. (63 tuổi, thị trấn Tuần Giáo) đến Phòng giao dịch Tuần Giáo yêu cầu tất toán trước hạn 4 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 1,08 tỷ đồng, sau đó chuyển toàn bộ số tiền sang một tài khoản ở ngân hàng khác. Nhận thấy sự việc có điểm đáng ngờ, cán bộ ngân hàng đã trao đổi, trò chuyện, từ đó biết được ông N.T.L. đang bị một đối tượng xưng là công an gọi điện video qua zalo thông báo ông L. đang vướng vào một vụ án ma túy. Nếu không chuyển tiền, đối tượng đe dọa sẽ tới nhà thực hiện lệnh bắt giam 6 năm tù. Xác định đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cán bộ Phòng giao dịch Tuần Giáo đã giải thích và đề nghị khách hàng không thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng.

Tương tự, sáng 12/7, ông L.H.B. (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) nhiều lần nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự giới thiệu là công an thông báo ông B. liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy. Ðể khỏi dính vào vòng lao lý, đối tượng yêu cầu ông B. phải chuyển gấp 151 triệu đồng. Do hoảng sợ, chiều cùng ngày, ông B. đến phòng giao dịch phường Thanh Bình, Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Ðiện Biên để rút tiền tiết kiệm và làm theo hướng dẫn của đối tượng. Rất may vụ việc đã được cán bộ ngân hàng phối hợp Công an phường Thanh Bình ngăn chặn kịp thời.

Ðây chỉ là 2 trong nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cán bộ, nhân viên các ngân hàng phối hợp với các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường giả danh công an, viện kiểm sát, cán bộ thuế... dùng số điện thoại không chính chủ để gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án, thường là các vụ án ma túy, kinh tế, trốn thuế. Từ đó, ép nạn nhân phải thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Các đối tượng hướng đến những người lớn tuổi, nhẹ dạ cả tin để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Ông Nguyễn Huy Hòa, Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Chi nhánh Ðiện Biên cho biết: Số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng ngày càng tăng. Năm 2022, toàn chi nhánh chỉ phát hiện 2 vụ. Song từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã phát hiện 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó: Ngăn chặn thành công 6 vụ và 3 vụ không ngăn chặn thành công. Trước thực trạng trên, ngân hàng đã thường xuyên thông báo đến khách hàng hiện hữu về các hình thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thông qua hình thức trực tiếp, tin nhắn SMS, qua các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng Ngân hàng trực tuyến... Giao dịch viên thường xuyên nhắc nhở khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã bảo mật cho bất kỳ ai để tránh rủi ro. Hội sở cũng thường xuyên nhắc nhở các phòng giao dịch; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng quan sát, phân tích, xử lý của cán bộ, nhân viên ngân hàng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ lừa đảo. Tuy nhiên, hiện nay việc ngăn chặn các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng khó khăn. Bởi vì, khách hàng thường không đồng ý cung cấp thông tin, không trò chuyện, trao đổi khi thực hiện giao dịch. Nếu cán bộ ngân hàng cố trao đổi, khách hàng cho rằng phía ngân hàng gây khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo đã thay đổi hình thức, yêu cầu khách hàng ra ngân hàng không trao đổi thông tin với cán bộ giao dịch; đưa ra các lý do, mục đích rút tiền rất chính đáng như: Cho con, mua đất, xây nhà, mua xe...

Ðể hạn chế thiệt hại, bản thân mỗi khách hàng, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hành vi của các đối tượng lừa đảo. Ðơn cử như, để làm việc với người dân, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, phường, tuyệt đối không có việc các cơ quan thực thi pháp luật gọi điện, gọi video thông báo và yêu cầu người dân nộp tiền. Vì vậy, khi người dân nhận được những cuộc gọi lạ với nội dung thông tin như trên cần báo ngay cho công an để được hỗ trợ, giải quyết; tuyệt đối không nghe, tin và làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top