Thiếu hụt nguồn nhân lực ngành Tư pháp

15:34 - Thứ Tư, 20/09/2023 Lượt xem: 6238 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, khối lượng công việc tư pháp ở cấp xã, phường, thị trấn rất lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số địa phương chỉ bố trí được 1 cán bộ tư pháp - hộ tịch. Trong điều kiện biên chế không tăng, nhiệm vụ ngày càng nhiều, ngành tư pháp đang thiếu nhân lực, đặc biệt là cấp cơ sở.

Cán bộ tư pháp xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Theo quy định mới về chức năng nhiệm vụ, ngành Tư pháp hiện có nhiều lĩnh vực công tác, như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; công tác pháp luật về quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng... Khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng, song tổng số biên chế hiện có để thực hiện nhiệm vụ lại chưa đảm bảo đã tạo nhiều áp lực trong quán trình thực hiện nhiệm vụ.

Căn cứ quy định về xây dựng Ðề án vị trí việc làm và yêu cầu triển khai thực hiện 36 nhóm nhiệm vụ công tác tư pháp theo Thông 07/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp, đòi hỏi biên chế công chức cấp Sở phải đạt tối thiểu từ 30 - 34 người, viên chức là 37 - 40 người. Thực tế tại Ðiện Biên chỉ đáp ứng 80% công chức và 87% viên chức. Tại cấp huyện, biên chế phòng tư pháp tối thiểu phải đủ ít nhất 5 người/đơn vị. Tuy vậy, ngoại trừ TX. Mường Lay bố trí đủ theo quy định, thì 9/10 đơn vị còn lại đều thiếu (trong đó, 6 phòng tư pháp có 4 biên chế, 3 phòng mới bố trí được 3 biên chế). Ðối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cũng không ngoại lệ, biên chế hiện có là 240 người (trong đó 23 xã, phường, thị trấn chưa bố trí đủ).

Tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ hiện nay mới bố trí được 1 công chức làm công tác tư pháp. Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Áp lực lớn nhất đối với cán bộ tư pháp là phải giúp dân thực hiện các thủ tục hành chính công. Trong số 16 trường thông tin liên quan đến nhân thân, thì lĩnh vực tư pháp chiếm 11 trường thông tin. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị (máy tính, hệ thống mạng internet...) chưa đảm bảo, người dân không thực hiện được trên nền tảng số. Có hồ sơ cán bộ tư pháp phải giúp người dân đăng nhập mất từ 1 - 2 giờ. Trong khi hàng ngày phát sinh nhiều hồ sơ nên rất vất vả.

Ðánh giá về thực trạng thiếu nhân lực, ông Phạm Ðình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Số lượng công chức, viên chức được giao như hiện nay còn thiếu và chưa thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hạn chế về số lượng, cộng thêm áp lực tinh giản biên chế hàng năm và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn. Một số nhiệm vụ chưa chuyên sâu, hiệu quả quản lý nhà nước một số lĩnh vực chưa đạt được như mong muốn. Ðặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về quốc tịch, hộ tịch, chứng thực và số hóa hộ tịch; triển khai thực hiện Ðề án 06 phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Khó khăn nhất hiện nay, đó là áp lực đối với việc thực hiện các dịch vụ công quốc gia. Tại Sở Tư pháp phải thực hiện 147 thủ tục hành chính công, trong đó có khoảng 25 thủ tục có hồ sơ thường xuyên, mức độ 4 người dân phải thực hiện trên nền tảng số. Vì nhiều người không có hoặc không thành thạo sử dụng điện thoại thông minh nên không thực hiện được. Ða số các trường hợp đến bộ phận “một cửa” đều phải nhờ công chức của Sở nhập hộ. Ðối với cấp huyện, xã cũng tương tự.

Ðể đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ, thời gian qua ngành Tư pháp tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong điều kiện nhân lực hiện có, hàng năm ngành đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ. Ðồng thời thực hiện chế độ chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng, nhất là đội ngũ luật sư, người có chuyên môn luật cao tham gia công tác nghiên cứu, xây dựng và thi hành pháp luật. Quản lý, sử dụng, phân công nhiệm vụ và bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi công chức, viên chức để phát huy tối đa hiệu quả công việc. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất (trụ sở làm việc, máy móc thiết bị, phương tiện...) đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khuyến khích, động viên lực lượng tư pháp các cấp chủ động, sáng tạo, áp dụng giải pháp, sáng kiến mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn. Tuy nhiên, về lâu dài cần bổ sung nguồn nhân lực để lấp đầy những “khoảng trống” hiện nay, nhất là ở cơ sở.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top