Triệt phá cây thuốc phiện vùng biên giới

10:32 - Chủ Nhật, 04/08/2024 Lượt xem: 5582 In bài viết

ĐBP - Cây cây thuốc phiện (còn gọi là cây anh túc) là loại cây cấm trồng, nếu bị phát hiện người trồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng phá nhổ cây thuốc phiện tại xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ.

Mới đây, trong quá trình tuần tra biên giới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã phát hiện tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào (thuộc địa phận xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) có một khoảnh nương trồng cây thuốc phiện đang trong thời kỳ ra hoa. Vị trí trồng cây thuốc phiện nằm cách xa khu dân cư nhiều giờ đi bộ, được bao bọc bởi cây cối rậm rạp, địa hình hiểm trở, không có đường mòn qua lại nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Quá trình đấu tranh khai thác, lực lượng chức năng đã xác định chủ nhân của nương thuốc phiện này là H.T.L. trú ở bản Huổi Po, xã Na Cô Sa. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vụ việc, kiểm đếm, phá nhổ, tiêu hủy toàn bộ số cây thuốc phiện.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, hoạt động trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu diễn ra ở các xã: Na Cô Sa, Nà Bủng, Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ); Mường Mươn (huyện Mường Chà); Leng Su Sìn và Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Trong 5 năm qua, các đơn vị BĐBP phòng tỉnh đã phát hiện, phá nhổ 2.960m2 trồng cây thuốc phiện trái phép, trong đó khởi tố 3 vụ với 3 đối tượng.

Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng trồng cây thuốc phiện trái phép tại huyện Nậm Pồ.

Phía đối diện biên giới, cũng trong thời gian gian trên, lực lượng chức năng nước CHDCND Lào đã phát hiện, phá nhổ 397ha cây thuốc phiện. Trong đó tại tỉnh Phoong Sa Ly: 51ha, Luông Phra Băng: 320ha và U Đôm Xay: 26ha. Tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa các chất ma túy ở khu vực ngoại biên cũng tác động trực tiếp đến địa bàn tỉnh ta.

Mặc dù cơ quan chức năng và các cấp chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên, ở một số địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa, biên giới vẫn có trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện.

Cơ bản đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới trồng cây thuốc phiện với mục đích sử dụng, làm thuốc chữa bệnh theo phong tục tập quán, hoặc bán nhựa thuốc phiện kiếm lời; chưa phát hiện mục đích làm nguyên liệu sản xuất các chất ma túy. Người trồng cây thuốc phiện thường lén lút trồng ở những nơi hẻo lánh hoặc vùng sâu, vùng xa mà cơ quan chức năng khó có thể tiếp cận được.

Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động người dân ký cam kết tự nguyện không trồng cây thuốc phiện, không sử dụng chất ma túy.

Theo Thượng tá Chu Ngọc Lệ, Phó trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh), thì để hạn chế, đẩy lùi tình trạng tái trồng cây thuốc phiện bên cạnh xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng cố tình vi phạm thì công tác tuyên truyền vẫn là yếu tố quan trọng, mang tính lâu dài. Do đó, thời gian qua các đơn vị biên phòng chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai lực lượng xuống cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Tổ chức cho người dân ký cam kết không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Nà Bủng phát tờ rơi tuyên truyền quy định nghiêm cấm trồng cây có chứa chất ma túy.

Để thực hiện việc xóa bỏ cây thuốc phiện và các loại cây chứa chất ma túy khác, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. Đồng thời có những phương án phát triển hạ tầng; hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi, tạo mô hình sinh kế có tính bền vững, hiệu quả, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc vùng cao, biên giới.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top