Các dự án nhân đạo của Liên hợp quốc đối mặt thách thức nghiêm trọng

07:20 - Thứ Ba, 23/08/2022 Lượt xem: 6210 In bài viết

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, các dự án nhân đạo của Liên hợp quốc đang đối mặt nguy cơ thiếu kinh phí kỷ lục trong năm nay.

Ảnh minh họa: Người tị nạn Syria nhận hàng viện trợ tại trại tị nạn ở thị trấn Mehmediye, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tăng vọt, Liên hợp quốc kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường đóng góp, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh khốn cùng từ hàng loạt cuộc khủng hoảng đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống và sinh kế.

Người phát ngôn của OCHA cho biết, số người dân cần tới sự hỗ trợ nhân đạo đang ở mức kỷ lục, với khoảng 303 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chuyên điều phối các vấn đề nhân đạo này của Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 1/3 số tiền cần thiết để triển khai các dự án. Khoản tiền này được các nhà tài trợ cam kết đóng góp để hỗ trợ khoảng 204 triệu người vượt qua khó khăn từ tình trạng xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu…, những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe dọa sinh kế của người dân trên toàn cầu hiện nay.

Theo OCHA, số tiền 15,2 tỷ USD thu được tính đến giữa năm nay cũng đã là số tiền tài trợ lớn nhất từng được cam kết cho quỹ hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nhu cầu nhận hỗ trợ nhân đạo toàn cầu tăng nhanh hơn nhiều so với việc đóng góp của các nhà tài trợ. Quỹ hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc vẫn thiếu gần 34 tỷ USD để hoạt động, tình trạng thiếu hụt quỹ chưa từng thấy.

Tại Afghanistan, kể từ khi lực lượng Taliban nắm quyền điều hành đất nước từ tháng 8/2021, Liên hợp quốc và các đối tác tích cực cung cấp viện trợ cho gần 23 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số quốc gia Nam Á. Các tổ chức nhân đạo đã mở rộng hoạt động để tiếp cận các cộng đồng trên tất cả các tỉnh, thành phố của Afghanistan, trong bối cảnh 70% số hộ gia đình Afghanistan không thể tự đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản. Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Afghanistan nhấn mạnh về “thực tế bi thảm” tại quốc gia Nam Á khi nền kinh tế và các hệ thống y tế, giáo dục của Afghanistan cận kề bờ vực sụp đổ.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất, đóng góp khoảng tám tỷ USD, trong khi Chương trình Lương thực thế giới (WFP) là tổ chức được nhận nguồn kinh phí lớn nhất. Quỹ này có thể tài trợ cho các dự án thuộc các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc và một số tổ chức phi chính phủ nhưng không hỗ trợ các kế hoạch của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) vì các tổ chức này có các chương trình xin tài trợ độc lập.

Liên hợp quốc cũng công bố những con số đáng báo động về hoạt động của các nhân viên cứu trợ nhân đạo trên khắp thế giới. 140 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng trong lúc triển khai các hoạt động nhân đạo trong năm 2021. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2013. Cũng trong năm ngoái, 203 nhân viên cứu trợ khác bị thương và 117 người bị bắt cóc. Nam Sudan, Afghanistan và Syria tiếp tục là những địa bàn mà Liên hợp quốc đánh giá là có nguy cơ xảy ra bạo lực cao nhất đối với các nhân viên cứu trợ nhân đạo.

Nhân Ngày Nhân đạo thế giới (19/8), Liên hợp quốc phát động tuần lễ tôn vinh những người làm công tác nhân đạo. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths ra tuyên bố bày tỏ lòng biết ơn đối với những nhân viên cứu trợ nhân đạo bất chấp điều kiện nguy hiểm giúp đỡ hàng triệu người đang trong tình cảnh khốn khó, đồng thời tưởng nhớ những người đã hy sinh vì nghĩa vụ cao cả này.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top