Liên minh châu Âu: Phát triển nông nghiệp bền vững

15:58 - Thứ Hai, 19/09/2022 Lượt xem: 6019 In bài viết

An ninh lương thực và vai trò của nông nghiệp trong sản xuất lương thực toàn cầu bền vững là chủ đề chính trong hội nghị không chính thức của các bộ trưởng nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cuối tuần qua tại Praha, Cộng hòa Séc. Các bộ trưởng nhất trí rằng, EU phải hành động để tối đa hóa sự gia tăng bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Hội nghị không chính thức của các bộ trưởng nông nghiệp Liên minh châu Âu tại Praha, Cộng hòa Séc.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine, những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 và sự gia tăng của biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt, mùa hè hạn hán ở châu Âu đã tàn phá nền nông nghiệp của khu vực này. Ở miền Bắc Italia, hạn hán nghiêm trọng đến mức những cánh đồng lúa đang khô héo và nông dân phải đối mặt với thu hoạch thấp hơn nhiều so với bình thường. Với các chuỗi cung ứng nông sản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột Nga - Ukraine, các lỗ hổng trong hệ thống cung cấp lương thực của châu Âu đã bị phơi bày.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm 2021, có tới 828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững và giảm lãng phí thực phẩm. Trong bối cảnh đó, các bộ trưởng nông nghiệp EU cho rằng, một trong những giải pháp chính sản xuất đủ lương thực mà vẫn bảo đảm tính bền vững là sử dụng các công nghệ đổi mới, hiện đại, bao gồm cả canh tác chính xác, để giảm thiểu tiêu thụ thuốc trừ sâu và phân bón. “Chúng tôi có một thách thức lớn trong liên minh là tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững, bảo đảm mọi người được tiếp cận với thực phẩm chất lượng. Đã đến lúc phải suy nghĩ lại về một số cách tiếp cận truyền thống đối với sản xuất lương thực theo hướng ủng hộ các kỹ thuật hiện đại mới”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc Zdenek Nekula cho biết trong hội nghị các bộ trưởng nông nghiệp EU.

Các bộ trưởng cũng đã thảo luận về khoa học, đổi mới và các phương pháp nhân giống cây trồng hiện đại trong nông nghiệp, đồng thời nhất trí rằng, “EU phải phản ứng nhanh nhất có thể” trước sự phát triển của các xu hướng hiện đại và thay đổi khuôn khổ pháp luật đã lỗi thời mà EU quy định việc sử dụng các phương pháp tạo giống cây trồng. Các xu hướng mới có thể giúp EU giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, trong quản lý nước hoặc lai tạo các giống mới có khả năng chống chịu tốt hơn với biến động thời tiết và sâu bệnh.

EU đặt mục tiêu sẽ có những bước tiến lớn trong việc cắt giảm khí thải nhà kính từ nông nghiệp và chuyển đổi hệ thống thực phẩm khai thác. Nông nghiệp “đóng góp” khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính của châu Âu nhưng có thể góp phần thu giữ carbon và khôi phục đa dạng sinh học. Có tới 70% diện tích đất ở EU là không tốt cho sức khỏe và hằng năm có hàng trăm triệu tấn đất bị xói mòn, gây thiệt hại cho nông dân châu Âu 1,25 tỷ euro mỗi năm. Và sự suy thoái đó sẽ leo thang khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Các mục tiêu đến năm 2030 cho chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) của EU nhằm tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường, trong đó EU đặt ra mục tiêu đạt 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ.

Để bảo đảm an ninh lương thực, EU còn vạch ra một kế hoạch hành động gọi là “Làn đường đoàn kết”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của Ukraine bằng đường bộ và đường thủy nội địa. Ngoài viện trợ khẩn cấp cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương, việc sử dụng càng nhiều đất nông nghiệp càng tốt để sản xuất lương thực và miễn luân canh cây trồng trong năm tới cũng sẽ giúp ích cho nông dân châu Âu. Cùng với đó, EU đang hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp rủi ro cao nhất vào thời điểm này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top