Chính phủ Nhật Bản ra thông báo cho biết, nước này bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô của Nga từ ngày 5/12, song sẽ loại trừ dầu thô nhập khẩu từ nhà máy Sakhalin-2.
Dự án Sakhalin-2 đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chiếm gần như toàn bộ lượng khí LNG nhập khẩu từ Nga. (Ảnh: Reuters) |
Quyết định trên được đưa ra tiếp sau thỏa thuận của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia hôm 2/12 về áp giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. G7 và Australia đã áp mức trần giá dầu nói trên trong một động thái nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của nước này, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu của quốc gia này trên thị trường toàn cầu.
Chính phủ Nhật Bản cho hay, việc loại trừ dầu thô của dự án Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga mà các nhà khai thác năng lượng Nhật Bản nắm giữ cổ phần sau khi Tập đoàn Shell rời đi đã được quyết định “phù hợp với an ninh năng lượng của Nhật Bản”.
Dự án Sakhalin-2 đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Tokyo. Dự án chiếm gần như toàn bộ lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga. Theo ghi nhận, chỉ tính riêng nhiên liệu từ Sakhalin-2, trong đó công ty Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản lần lượt chiếm 12,5% và 10% cổ phần, đã tạo ra khoảng 3% tổng sản lượng điện của cả nước. Trong khi đó, dự án Sakhalin 1, Tập đoàn Phát triển Dầu khí Sakhalin của Nhật Bản chiếm 30% cổ phần.
Theo thông báo của Chính phủ Nhật Bản, các biện pháp tiếp theo với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/2/2023 sẽ được công bố sau.
Từ ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong G7 và Australia bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Cũng từ ngày 5/12, lệnh cấm mua dầu thô của Nga do EU áp đặt chính thức có hiệu lực.
Theo quy định về giá trần với dầu thô của Nga, các bên tham gia "Liên minh giá trần" sẽ không cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển nếu giá mua trên 60 USD/thùng. Các thành viên của "Liên minh giá trần" cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hiệu quả của mức giá, cũng như sẵn sàng xem xét và điều chỉnh mức giá khi thích hợp. EU cho biết mức giá trần sẽ được xem xét 2 tháng một lần, với cơ chế điều chỉnh được áp dụng để giữ mức trần giá thấp hơn ít nhất 5% so với mức thị trường.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng việc phương Tây áp giá trần lên dầu mỏ của Nga là một hành vi can thiệp thô bạo, đi ngược lại các nguyên tắc tự do thương mại và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu. Moskva khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mua dầu của nước này và cho rằng các Chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là động thái “nguy hiểm”.
Trong tuyên bố ngày 5/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, giá trần mà phương Tây áp đặt với dầu của Nga sẽ làm mất ổn định các thị trường năng lượng toàn cầu.