Tiêu thụ than của thế giới tăng: Kéo chậm tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch

09:27 - Thứ Hai, 19/12/2022 Lượt xem: 6536 In bài viết

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu trong năm 2022 - loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, lên mức cao kỷ lục. Điều này có nghĩa là than đá sẽ tiếp tục là nguồn phát thải CO2 lớn nhất của hệ thống năng lượng toàn cầu, gây nguy cơ làm chậm tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch.

IEA cho biết, trong năm 2022, lượng than sử dụng trên toàn thế giới đạt kỷ lục mới.

Bất chấp những dự đoán về sự sụp đổ của nhiên liệu hóa thạch khi thế giới tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng thiếu khí đốt đã đẩy mức sử dụng than lên mức cao nhất kể từ năm 2013. Theo báo cáo thị trường hằng năm mới nhất của IEA, việc sử dụng than toàn cầu mặc dù chỉ tăng 1,2% vào năm 2022, nhưng lần đầu tiên vượt qua 8 tỷ tấn trong một năm và làm lu mờ kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2013. Dựa trên xu hướng thị trường hiện tại, dự báo, mức tiêu thụ than sẽ không thay đổi cho đến năm 2025 do nhu cầu tiếp tục mạnh ở các nền kinh tế châu Á mới nổi. IEA nhận định: “Lượng than tiêu thụ của thế giới sẽ vẫn ở mức tương tự trong những năm tiếp theo nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”.

Giá khí đốt tự nhiên cao hơn do cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào than đá để sản xuất điện. Than là nguồn năng lượng lớn nhất thế giới để phát điện cũng như sản xuất thép và xi măng. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra khủng hoảng khí hậu, chiếm khoảng 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Giá than đã tăng lên mức chưa từng thấy trong tháng 3 và tháng 6, do khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để bảo đảm nguồn năng lượng sạch trong tương lai. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga buộc các quốc gia trong cựu Lục địa phải sử dụng các nguồn năng lượng khác, trong đó có than đá, thậm chí còn phải khởi động lại một số nhà máy than vừa đóng cửa. Châu Âu dự kiến sẽ tăng tiêu thụ than trong năm thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên, IEA cũng lưu ý, mặc dù giá cao và mang lại lợi nhuận kỷ lục cho các công ty than, nhưng châu Âu không có dấu hiệu tăng đầu tư vào các dự án than mới. Cơ quan này dự đoán mức tiêu thụ than của châu Âu có thể sẽ giảm xuống dưới mức của năm 2020 vào năm 2025. Theo IEA, nhu cầu tiêu thụ than sẽ giảm ở các nền kinh tế tiên tiến trong thập kỷ tới do dòng năng lượng tái tạo nhanh chóng đổ vào lưới điện buộc phải loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than đắt tiền hơn và cũ hơn. Song, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á sẽ tăng cường sử dụng than để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi họ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo hơn. Trung Quốc và Ấn Độ, vốn phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện, là những nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới.

Đầu năm nay, IEA cho biết lượng khí thải CO2 từ sản xuất điện từ than được dự báo sẽ tăng hơn 200 triệu tấn, tương đương 2% trong năm 2022. Do đó IEA cho rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới phải dừng lại ngay lập tức nếu thế giới muốn có bất kỳ cơ hội nào để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 ròng vào năm 2050. Việc đạt được mức phát thải này là cần thiết để giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ngưỡng đó, thế giới sẽ phải đối mặt với các tác động khủng hoảng khí hậu có thể mất hàng thiên niên kỷ để khắc phục hoặc không thể đảo ngược hoàn toàn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top