Sau hai thập kỷ cầm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đứng trước một phép thử lớn - cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14-5 tới. Đây có thể là một trong những sự kiện được chú ý nhất trong năm 2023 đối với cộng đồng quốc tế và đương nhiên là của Thổ Nhĩ Kỳ khi kết quả bỏ phiếu sẽ quyết định đến chính sách đối nội và đối ngoại của nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan quyết định tổ chức bầu cử sớm hơn một tháng.
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 18-6-2023. Tuy nhiên, đây là thời điểm được cho là sẽ diễn ra kỳ thi của sinh viên các trường đại học và một số ngày lễ lớn.
Nhiều nhà phân tích nhận định, việc ông R.Erdogan thông báo tổ chức bầu cử sớm hơn một tháng sẽ tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Ngoài ra, giới trẻ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lực lượng ủng hộ chính sách của đương kim Tổng thống cũng như đảng Công lý và Phát triển của ông. Do đó, bầu cử sớm có thể giúp ông R.Erdogan có được nhiều hơn số phiếu bầu.
Hiện tại, mức độ tín nhiệm dành cho Tổng thống R.Erdogan bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số tín hiệu thiếu lạc quan trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, từ tháng 5-2021, lạm phát nước này không ngừng gia tăng và đã lên tới 85,5% vào tháng 10-2022 - mức kỷ lục trong vòng 24 năm qua.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cơn khủng hoảng tài chính chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, với việc đồng nội tệ lira liên tục mất giá, hiện ở mức khoảng 55% so với đồng USD. Xung đột giữa Nga - Ukraine cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đẩy giá năng lượng lên mức cao mới.
Về đối ngoại, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu một vị trí địa chính trị quan trọng khi nước này nằm dọc phía Nam Biển Đen, giáp với Trung Đông, Trung Á và khu vực Kavkaz. Trong số những nước giáp Biển Đen, eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường duy nhất dẫn tới biển Aegean, Địa Trung Hải và các đại dương.
Được coi là cầu nối giữa hai lục địa Á - Âu, mối quan hệ chặt chẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều đối tác chủ chốt trên thế giới tạo cho nước này những ảnh hưởng chính trị không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, quốc gia này còn là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ cùng các thiết bị phòng thủ quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ hòa nhập rất tốt với cơ sở hạ tầng an ninh của NATO và từng là đồng minh tin cậy của phương Tây trong hơn nửa thế kỷ.
Rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số thành viên chủ chốt trong NATO bắt đầu xuất hiện từ năm 2011, khi nội chiến Syria bùng phát. Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với việc Mỹ huấn luyện và vũ trang cho nhóm chiến binh người Kurd ở Bắc Syria - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, “cánh tay nối dài” của các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm chiến binh của YPG là nhánh vũ trang của Đảng Công nhân Kurd (PKK), từng tiến hành nhiều vụ tấn công đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nấc thang căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên chủ chốt của NATO xuất hiện năm 2016 - thời điểm xảy ra vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan nhưng bất thành. Ankara cáo buộc phong trào (FETO) do giáo sĩ Fethullah Gulen dẫn đầu nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ.
Và khi lòng tin rạn nứt, Ankara tìm đến một giải pháp phù hợp là bắt tay với các cường quốc khác như Nga nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời áp dụng chính sách đối ngoại độc lập hơn trong khu vực.
Việc uy tín của Tổng thống R.Erdogan bị ảnh hưởng bởi viễn cảnh kinh tế đáng lo ngại và thiếu đi sự ủng hộ của các đồng minh đã tạo cơ hội cho các ứng cử viên phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm thất thế. Vì vậy, cuộc bầu cử sắp tới được cho là “bài sát hạch” tín nhiệm không dễ dàng đối với ông R.Erdogan.