Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine tại Kiev được đánh giá mang tính “lịch sử” và tái khẳng định các cam kết thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với Ukraine trong nhiều vấn đề nóng hiện nay. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cũng cho thấy, con đường song hành phía trước còn nhiều chông gai.
Được tổ chức ở thời điểm gần tròn một năm nổ ra cuộc xung đột, hội nghị lần này nhận được sự quan tâm to lớn, bởi diễn ra trong bối cảnh chiến sự tiếp tục leo thang khốc liệt tại Ukraine, cùng những cuộc tranh cãi gay gắt về việc phương Tây viện trợ các vũ khí hiện đại hơn cho Kiev. Tới nay, EU đã viện trợ cho Ukraine gần 60 tỷ euro, trong đó có gần 12 tỷ euro viện trợ quân sự.
Sau nhiều tuần tranh cãi ngoại giao, hàng chục quốc gia - trong đó có Mỹ và Đức - cũng đã cam kết cung cấp xe tăng cho Kiev. Dù chưa nêu rõ khung thời gian cụ thể, diễn biến này là bước đột phá của phương Tây trong nỗ lực ủng hộ Ukraine, kỳ vọng có thể giúp đối tác này đẩy lùi các lực lượng Nga.
Nối dài những nỗ lực trên, qua các phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, gói trừng phạt thứ mười của EU chống lại Nga sẽ có hiệu lực trước ngày 24-2, đúng một năm nổ ra sự kiện. Đồng thời cam kết Brussels sẽ tiếp tục viện trợ quân sự, tài chính cho Ukraine, bao gồm khoản bổ sung 3,6 tỷ euro và huấn luyện 30.000 binh sĩ trong năm 2023.
Liên quan đến Thỏa thuận liên kết và quá trình gia nhập liên minh - vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Kiev lúc này, đại diện EU khẳng định khối sẽ tiếp tục “cam kết hỗ trợ Ukraine hội nhập châu Âu hơn nữa”.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh các cam kết của EU, đồng thời khẳng định Kiev sẽ “không lãng phí một ngày nào” để được công nhận tư cách thành viên EU.
Sau hội nghị, EU và Ukraine đã ra tuyên bố chung gồm 32 điểm đề cập 5 chủ đề, tái khẳng định các nội dung mà lãnh đạo hai bên nêu ra trong các phiên họp. Trong đó, nổi bật là các cam kết liên quan tới tiến trình Kiev gia nhập EU và phản ứng về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, Brussels sẽ sát cánh với Kiev xây dựng lại một Ukraine hiện đại và thịnh vượng, với trọng tâm là tăng cường khai thác tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do toàn diện và sâu rộng (DCFTA).
Theo giới quan sát, diễn biến và kết quả hội nghị cho thấy EU và Ukraine tiếp tục có sự đồng thuận về mặt chính trị. Những động thái từ phía EU như có tới 15 ủy viên có mặt để gặp gỡ với các quan chức Ukraine hay chọn Kiev làm địa điểm tổ chức hội nghị, thay vì Brussels theo trình tự luân phiên, đều thể hiện cam kết ủng hộ Ukraine và gửi thông điệp cứng rắn tới Nga. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, EU mạnh dạn tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở quốc gia đang có chiến tranh.
Các ý kiến cũng đánh giá, việc hội nghị không góp phần rút ngắn tiến trình gia nhập EU của Ukraine là điều tuy đáng tiếc với Kiev nhưng dễ hiểu. Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép và còn không ít bất cập nội tại, việc “gánh” thêm Ukraine thực sự là điều EU phải cân nhắc. Nếu được kết nạp, Ukraine sẽ là quốc gia nghèo nhất trong EU. Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn, bởi EU có không ít các lý do để giữ vững các cam kết ủng hộ Kiev.
Trên thực tế, Croatia mất tới 10 năm để mới đây trở thành thành viên chính thức của khối này, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ dù đã nộp đơn từ năm 1987 và được trao quy chế ứng cử viên từ năm 1999 nhưng vẫn chưa đạt được ý nguyện.
Tựu trung lại, hội nghị lần này chính là tín hiệu cho thấy hành trình chung giữa EU và Ukraine sẽ còn nhiều gập ghềnh phía trước, bởi còn quá nhiều “khoảng cách giữa niềm hy vọng của Ukraine và khả năng của EU” - như cách mô tả của Washington Post (Mỹ).