Vượt qua nhiều khó khăn để dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng toàn cầu thời gian qua, Mexico đang từng bước trở lại với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Mỹ Latin và Caribe. Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức cao nhất trong ba thập niên trở lại đây là tín hiệu vô cùng tích cực để Mexico tiếp tục hướng tới những thành tựu kinh tế mới trong tương lai.
Theo số liệu do Viện Thống kê và Địa lý Mexico (INEGI) công bố mới đây, nền kinh tế quốc gia này ghi nhận tốc độ tăng trưởng đạt 3% trong năm 2022, vượt tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba thập niên trở lại đây, bất chấp sự giảm nhẹ của GDP trong giai đoạn ba tháng cuối năm 2022. Các chuyên gia của INEGI đánh giá, việc hai trụ cột kinh tế là sản xuất-chế tạo và xuất khẩu có sự phục hồi nhanh vượt dự đoán cùng sức mua trong nước ngày càng tăng do thị trường lao động dần đi vào ổn định là những nguyên nhân lý giải cho tốc độ tăng trưởng kinh tế nổi bật của Mexico.
Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ Mexico đạt 2,7%, trong khi công nghiệp sản xuất chế tạo đạt 3,2%, hoạt động nông nghiệp đạt 2,8% so với năm 2021. Trước đó, dựa trên những phân tích về mức độ phục hồi của các hoạt động kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, Bộ Tài chính Mexico và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng quan điểm khi nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia Bắc Mỹ nằm trong khoảng từ 1,9% tới 3,1%. Trong khi đó, theo các chuyên gia thuộc tập đoàn phân tích tài chính nổi tiếng của Mexico là Monex, mức tăng 3% là thành tựu mang tính lịch sử của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latin này, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng sau đại dịch.
Ngành du lịch của Mexico cũng ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan trong thời gian qua. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch Mexico (Sectur), năm 2022, quốc gia này đón 20,6 triệu lượt du khách quốc tế qua đường hàng không, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này vượt cả lượng du khách quốc tế đến Mexico trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2019, thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19.
Các du khách đến Mexico qua đường hàng không trong năm 2022 chủ yếu từ Mỹ, Canada và Colombia, với tổng cộng 15,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2021 và tăng 16,4% so với cùng thời gian năm 2019. Bên cạnh đó là khoảng gần năm triệu lượt du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, tăng 72,7% so với năm 2021. Theo Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC), ngành du lịch đóng góp khoảng 15,5% vào GDP của Mexico trong năm 2022, cao hơn so với mức 14,9% của năm 2019.
Các chuyên gia phân tích tài chính dự báo, tăng trưởng trong năm 2023 của nền kinh tế Mexico sẽ trong khoảng từ 0,6% đến 1,7%, do quốc gia Mỹ Latin vẫn đang đối mặt một loạt thách thức từ tình trạng suy thoái ngày càng tồi tệ trên thế giới, như hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine hay những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Mexico Citibanamex lo ngại, kinh tế Mexico khó thoát khỏi vòng xoáy suy thoái quy mô toàn cầu trong năm 2023, đồng thời phải giải quyết các tác động từ những yếu tố bất lợi trong nước như thu nhập của người lao động chậm phục hồi, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao và niềm tin tiêu dùng ảm đạm.
Nhiều cơ quan tài chính quốc tế cùng chung nhận định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mexico sẽ chậm lại trong năm 2023 và tăng trở lại trong năm 2024. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức tăng trưởng của kinh tế Mexico trong năm 2023 là khoảng 0,9%. Thời gian tới, Chính phủ Mexico sẽ đẩy mạnh các kế hoạch hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế trên toàn châu Mỹ, bên cạnh tăng cường hợp tác khu vực với hai quốc gia Bắc Mỹ khác là Mỹ và Canada.
Còn theo IMF, tăng trưởng chung của các quốc gia Mỹ Latin và Caribe dự báo sẽ giảm từ mức 3,9% vào năm 2022 xuống còn 1,8% trong năm 2023, sau đó tăng lên 2,1% trong năm 2024, nguyên nhân do các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn, giá nguyên liệu thô xuất khẩu thấp hơn và tốc độ tăng trưởng của các đối tác thương mại giảm. IMF khuyến nghị chính phủ các nước tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế, kích thích tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu xã hội của người dân, đồng thời phân bổ thêm nguồn lực cho người nghèo và tìm cách cắt giảm nợ công.