Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (X.Ra-ma-phô-xa) đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu nguồn lực của chính phủ để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội mà quốc gia này đối mặt, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển và đầu tư. Đất nước Cầu vồng chật vật trong tìm hướng đi mới để khắc phục tình trạng cắt điện luân phiên xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng tới đời sống kinh tế-xã hội.
Phát biểu tại hội nghị đại biểu Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, Tổng thống Nam Phi, đồng thời là Chủ tịch ANC Ramaphosa nêu rõ về hiện trạng tỷ lệ thất nghiệp cao, cung cấp dịch vụ kém, chi phí sinh hoạt gia tăng và tăng trưởng kinh tế trì trệ. Ông cho biết, chính phủ vẫn cam kết giải quyết các thách thức xã hội của Nam Phi, tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhà lãnh đạo này chỉ rõ ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng gay gắt và thừa nhận việc cắt điện luân phiên vẫn là bắt buộc để giảm tình trạng quá tải cho hệ thống cấp điện cũ kỹ.
Tình trạng cắt điện luân phiên đã diễn ra ở Nam Phi trong nhiều năm qua khi Công ty điện lực Eskom, với kết cấu hạ tầng sản xuất điện than cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn do những khó khăn xảy đến với Eskom trong năm qua. Công ty này cho biết, hoạt động sản xuất và cung cấp điện đã bị ảnh hưởng bởi các hành động phá hoại. Các nhà máy nhiệt điện dùng than Medupi và Kusile đóng góp tới hơn 80% sản lượng điện cả nước, tuy nhiên các tổ máy của hai cơ sở này liên tục gặp sự cố buộc Tập đoàn Điện lực quốc gia Eskom phải thực hiện cắt điện luân phiên.
Nền kinh tế Nam Phi thiệt hại hàng trăm triệu USD do hoạt động sản xuất và giao thương bị gián đoạn bởi tình trạng cắt điện với tần suất dày đặc. Hiệp hội các ngành nông nghiệp tại Nam Phi (AgriSA) mới đây cảnh báo khủng hoảng năng lượng diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên toàn quốc đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành thực phẩm. Việc cắt điện ở mức kỷ lục đã gây thiếu hụt một số mặt hàng chủ lực, đe dọa làm tăng giá hàng hóa, có thể khiến một số mặt hàng phổ biến trở nên quá đắt đỏ đối với các gia đình nghèo.
Chủ trang trại chăn nuôi gia cầm Herman Du Preez cho biết, ít nhất 40.000 con gà của ông tại tỉnh North West đã bị chết ngạt do nguồn điện bị gián đoạn khiến hệ thống thông gió của trang trại ngừng hoạt động. Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Hiệp hội Gia cầm Nam Phi Izaak Breitenbach, việc cắt điện cũng làm chậm hoạt động tại các lò mổ, gây ra tình trạng thiếu thịt gà.
Nam Phi có kế hoạch đưa một số nhà máy điện sắp hết tuổi thọ vào tái sử dụng từ than đá sang năng lượng tái tạo, đồng thời thúc đẩy 26 dự án năng lượng tái tạo, nhằm tạo ra khoảng 2.800 mê-ga-oát (MW). Trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết ban đầu hỗ trợ tổng cộng 8,5 tỷ USD cho các nỗ lực giảm khí thải các-bon của Nam Phi và đẩy nhanh quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo.
Mới đây, EU và các quốc gia thành viên cho biết sẽ đầu tư hơn 280 triệu euro vào Nam Phi để hỗ trợ các cải cách về phục hồi xanh, đầu tư xanh và xây dựng tiến trình chuyển đổi dựa trên tri thức. Đây là hoạt động thuộc Sáng kiến châu Âu của Nhóm phục hồi xanh và công bằng dành cho Nam Phi vừa được ra mắt tại Pretoria trong khuôn khổ Cổng Toàn cầu (Global Gateway). Sáng kiến được kỳ vọng sẽ giúp Nam Phi giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội cấp bách thông qua đối thoại chính sách và tạo thuận lợi cho đầu tư, bao gồm kết cấu hạ tầng công cộng và mở ra hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như chống biến đổi khí hậu.
Cam kết của Nam Phi thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng công bằng được quốc tế đánh giá cao và cho rằng nền kinh tế hàng đầu châu Phi sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế có lượng khí thải các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu trong dài hạn.