Armenia và Azerbaijan: Tiến gần hơn tới thỏa thuận hòa bình

07:19 - Thứ Bảy, 18/02/2023 Lượt xem: 6287 In bài viết

Sau gần 3 năm căng thẳng liên quan tới quyền kiểm soát khu vực Nagorny - Karabakh, Armenia và Azerbaijan đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận hòa bình. Dư luận quốc tế hy vọng, thỏa thuận này sẽ giúp chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài hơn 3 thập kỷ qua giữa hai nước. Theo thống kê, số binh sĩ thiệt mạng của hai nước riêng trong 3 năm qua đã lên tới gần 7 nghìn người.

Thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga làm nhiệm vụ tại Hành lang Lachin.

Trong cuộc họp chính phủ ngày 16-2, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, nước này đã hoàn tất bản kế hoạch hòa bình toàn diện với Azerbaijan và đã gửi văn bản này cho Azerbaijan cũng như các quốc gia thành viên của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Nếu đạt được sự đồng thuận, Azerbaijan và Armenia sẽ tiến tới một nền hòa bình lâu dài thông qua việc thiết lập các cơ chế giám sát để ngăn chặn những mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực.

Động thái của Armenia được đưa ra trong bối cảnh dư luận quốc tế ngày càng quan ngại trước những bất ổn leo thang tại khu vực Nagorny - Karabakh, cũng như nguy cơ kéo theo sự tham gia của các cường quốc khu vực, đặc biệt là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga là nhà cung cấp vũ khí cho quân đội của cả Azerbaijan lẫn Armenia. Căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở phía Nam dãy Caucasus, trên lãnh thổ Armenia. Lợi ích của Nga là duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với cả hai quốc gia này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng sát cạnh Armenia nhưng lại mạnh mẽ yểm trợ Azerbaijan. Nếu xung đột không được kiểm soát, bất ổn an ninh sẽ gây xáo trộn một khu vực được coi là hành lang năng lượng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Nhìn lại lịch sử cuộc xung đột, Nagorny - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, có đa số dân cư là người gốc Armenia, nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng qua nhiều thập kỷ. Trong một cuộc tấn công năm 2020, lực lượng Azerbaijan đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn trước khi một thỏa thuận hòa bình 3 bên do Nga làm trung gian tạm dừng giao tranh. Thỏa thuận đó cũng quy định việc triển khai khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga để giữ nguyên hiện trạng và giám sát Hành lang Lachin - con đường duy nhất nối Armenia và Nagorno - Karabakh.

Mới đây, theo lời mời của Armenia, phái bộ của Liên minh châu Âu (EU) gồm 100 giám sát viên sẽ được triển khai trong tháng tới tại Hành lang Lachin. Điều này sẽ giúp có thêm một tiếng nói bảo đảm sự khách quan trong các cuộc đàm phán vãn hồi ổn định cho khu vực.

Kể từ khi xung đột tái bùng phát năm 2020, dưới nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Armenia và Azerbaijan đã thực hiện nhiều cuộc đàm phán. Tuy căng thẳng đã được “hạ nhiệt”, song hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận mang tính lâu bền. Cho tới thời điểm hiện tại, Azerbaijan đã thực hiện nỗ lực lớn để rà phá bom mìn ở các vùng lãnh thổ mà họ giành lại được.

Trong suốt 3 thập kỷ trước, khu vực này bị cả hai bên đặt nhiều bãi mìn để bảo vệ phần đất mình giành quyền giám sát. Azerbaijan cho rằng, bom mìn đã đe dọa sinh mạng của những người dân vô tội. Hàng trăm nghìn gia đình người Azerbaijan vẫn chưa thể trở về nhà vì những mối nguy hiểm đang diễn ra. Tuy nhiên, Armenia cảnh báo rằng, việc Azerbaijan ngày càng tập trung vào vấn đề trên là một nỗ lực tạo cớ để đóng Hành lang Lachin, bao vây người Armenia ở Nagorno - Karabakh với lý do Armenia không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho bế tắc kéo dài 3 thập kỷ giữa hai nước đã quay trở lại sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev gặp nhau để đàm phán ở Praha (Séc) vào tháng 10-2022. Trong vòng 4 tháng qua, nhiều nỗ lực ngoại giao đã được các bên liên quan thực hiện. Các nhà bình luận quốc tế nhận định, một giải pháp được chờ đợi từ lâu có thể sẽ được thống nhất về nguyên tắc vào cuối năm nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top