Số liệu mới nhất được Ủy ban châu Âu công bố cho thấy, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng vào đầu năm nay, theo đó có thể tránh được nguy cơ suy thoái.
Nhiều dấu hiệu tích cực
Trong tháng 2, kinh tế Eurozone tăng tốc và đạt mức cao nhất trong 9 tháng theo chỉ số sản lượng Chỉ số quản lý mua hàng (PMI). Theo dữ liệu khảo sát, PMI của tháng 2 tăng lên 52,3 so với mức 50,8 của tháng trước đó. Thông thường chỉ số trên 50 phản ánh kinh tế tăng trưởng tích cực.
Trong khi đó, lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm hơn thời điểm cuộc xung đột Ukraine nổ ra, đẩy giá xăng dầu và khí đốt “phi mã” hồi năm ngoái. Đỉnh lạm phát ở Eurozone dường như đã đi qua sau khi chạm mức kỷ lục 10,6% vào tháng 10-2022. Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống còn 8,5% trong tháng 1-2023. Mức lạm phát này thấp hơn tỷ lệ 9,2% của tháng 12-2022 và thấp hơn mức dự báo 9% được đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của Hãng tin Reuters. Bên cạnh đó, thị trường lao động EU tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp chưa từng có.
Với lạm phát đang trên đà giảm, các nước châu Âu dần lấy lại mức tăng trưởng cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế làm dấy lên hy vọng Eurozone sẽ thoát khỏi suy thoái.
Chống chọi tốt với khủng hoảng năng lượng
Theo các chuyên gia, các nguyên nhân chính giúp châu Âu tránh được suy thoái là do các nền kinh tế trong khối đã chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng tốt hơn so với kỳ vọng. Những lo sợ về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt, khả năng phải cắt điện luân phiên đã không diễn ra và hiện tại, sau khi đã trải qua phần lớn một mùa đông tương đối ấm áp, các nước châu Âu hiện chỉ ghi nhận giá khí đốt ở mức 55EUR (58,58USD)/MWh, thấp hơn mức giá trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine và chỉ bằng khoảng 1/7 mức giá kỷ lục hồi tháng 8-2022. Việc giá năng lượng xuống thấp cũng giúp lạm phát tại Eurozone hạ nhiệt, giảm từ mức khoảng 10% xuống còn 8,4% trong năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong khối cũng ở mức thấp, khoảng 6,1% vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, việc châu Âu tung ra gói phục hồi 750 tỷ EUR (798,8 tỷ USD) từ năm 2021 cũng đã giúp khối này giảm thiểu được các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh được đầu tư công tại nhiều quốc gia. Tất cả những yếu tố này giúp Eurozone đạt mức tăng trưởng trung bình 3,5% trong năm 2022, cao hơn cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Ủy ban châu Âu cũng dự báo đa số các nước thành viên EU sẽ có mức tăng trưởng dương trong năm 2023 nhưng 3 nước Áo, Thụy Điển và Đức sẽ khó tránh khỏi suy thoái kỹ thuật trong quý 1 năm 2023.