Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục có những bước tiến mới trong việc cải cách thị trường điện, nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng giá tăng đột biến. Nhìn chung, sẽ còn nhiều việc phải làm để châu Âu giải bài toán khó này. Trong tiến trình dài hơi đó, những cải cách mang tính đột phá và quyết liệt luôn rất cần thiết.
Diễn biến mới nhất là kế hoạch cải cách do Ủy ban châu Âu (EC) công bố, nhằm thúc đẩy các quốc gia hướng tới sử dụng các hợp đồng điện với giá cố định và dài hạn hơn. Các đề xuất lần này đúng với cam kết của EC hồi năm 2022 về việc đánh giá lại các quy tắc thị trường sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, dẫn đến giá năng lượng cao kỷ lục và nguồn cung bị siết chặt. Mục đích cải cách là giúp người tiêu dùng bớt phải đối mặt với những biến động ngắn hạn của giá nhiên liệu hóa thạch; đồng thời bảo đảm nguồn cung điện bằng năng lượng tái tạo chi phí thấp mà châu Âu đang tích cực triển khai sẽ thực sự mở ra kênh năng lượng với giá hợp lý cho người tiêu dùng.
Trước tiên, nhằm tăng cường tính ổn định trong việc bán điện cho người dân, EU muốn người tiêu dùng tiếp cận với các hợp đồng điện giá cố định. Để làm được điều này, quy định mới sẽ trao cho người thanh toán hóa đơn quyền yêu cầu một hợp đồng giá cố định từ bất kỳ nhà cung cấp điện lớn nào, thay vì chỉ có quyền yêu cầu một hợp đồng có thể thay đổi giá như hiện nay. Hiện tại, giá điện ở châu Âu được thiết lập dựa trên chi phí vận hành của nhà máy cung cấp phần điện năng cuối cùng cần thiết, thường là nhà máy khí đốt, để đáp ứng nhu cầu chung. Khi giá khí đốt tăng đột biến, giá điện cũng tăng vọt. Do đó, cách làm mới sẽ tránh được việc người dùng phải trực tiếp chịu ảnh hưởng mỗi khi thị trường năng lượng biến động.
Các đơn vị quản lý, chính phủ thành viên EU theo quy định mới có nhiều quyền hạn kiểm soát hóa đơn năng lượng hơn nếu chúng tăng quá mức. Trong đó, quan trọng nhất là quyền ấn định giá cho tối đa 80% mức điện mà người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ tiêu thụ, bởi đây là tiền đề để tiêu chuẩn hóa những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp mà một quốc gia có thể đưa ra để ứng phó các tình huống khủng hoảng năng lượng.
Việc triển khai bộ quy định mới cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tốc cuộc cải tổ năng lượng tái tạo, trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong bức tranh năng lượng chung, qua đó đưa hệ thống điện trở nên linh hoạt và tự chủ hơn. Dự thảo đưa ra những quy tắc sẽ cho phép các nhà khai thác mạng lưới điện trả tiền cho những người tham gia thị trường để sử dụng ít điện hơn, hoặc sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong thời kỳ cao điểm về nhu cầu sử dụng điện.
Bình luận về bước đi mới của EU, giới quan sát cho rằng, cải cách là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều dự đoán những mùa đông tiếp theo, nếu thời tiết trở nên lạnh giá hơn, Trung Quốc tăng tiêu thụ năng lượng, nguồn cung khí đốt toàn cầu có thể trở nên căng thẳng, khiến giá khí đốt tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy định sẽ cần rất nhiều thời gian để đàm phán và thông qua, do không dễ làm hài lòng tất cả thành viên.
Hiện nay, do chênh lệch chi tiêu, mỗi nước cần một mức độ cải cách khác nhau. Nếu tính theo bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức đang chi lớn nhất để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, vượt xa mặt bằng chung. Thêm vào đó, việc quy định mới nhắm tới giảm thiểu vai trò của các nhà máy điện sử dụng khí đốt, các thành viên EU sẽ cần vạch rõ mục tiêu quốc gia về lưu trữ năng lượng, tạo nền tảng để người tiêu dùng có thể lựa chọn trả tiền để tăng, giảm hoặc chuyển đổi hoạt động sử dụng năng lượng của họ, qua đó cân bằng lưới điện...