Giới hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ bớt áp lực hơn trong cuộc họp tháng này, sau khi báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/3 cho thấy, mức tăng tiền lương đã chậm lại, nhen nhóm hy vọng lạm phát hạ nhiệt. Số liệu về tiền lương có thể tác động tới quyết định về lãi suất và FED vẫn sẵn sàng cho mọi kịch bản trong lộ trình thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã lên 3,6% trong tháng 2. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập theo giờ có dấu hiệu chậm lại, giảm xuống 0,2% từ mức 0,3% trong tháng 1. Mặc dù trong tháng 2, nền kinh tế Mỹ tạo ra 311.000 việc làm, cao hơn dự đoán, nhưng việc tuyển dụng tập trung vào ít lĩnh vực hơn và tiền lương ở một số ngành giảm. Đây là tiền đề kéo tăng trưởng việc làm chậm lại, qua đó làm giảm áp lực về giá và giúp FED bớt sức ép phải quay lại chu trình tăng mạnh lãi suất.
Tuy nhiên, dù chiến dịch thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt với việc đưa lãi suất lên đến mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát ở Mỹ đã giảm sau các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp (từ mức gần 0% lên 4,5%-4,75%), nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của FED là 2%. Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo rằng Mỹ vẫn đối mặt áp lực lạm phát lan rộng và FED sẵn sàng đẩy mạnh nhịp độ tăng lãi suất với mức tăng có thể cao hơn dự đoán nếu cần thiết.
Nước Mỹ được cho là phải mất nhiều thời gian nữa mới đạt đà giảm lạm phát cần thiết và tiếp tục phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẵn sàng quay trở lại tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn nếu các chỉ số kinh tế tiếp tục nóng lên. Một bức tranh đầy thách thức đối với FED, không chỉ về lạm phát cao dai dẳng hiện nay, mà còn về hàng loạt áp lực mới có thể dẫn đến lạm phát cao trong thời gian tới, bao gồm nỗ lực của các công ty nhằm chuyển hoạt động sản xuất ở nước ngoài trở về nước Mỹ trong khi thị trường vẫn thiếu lao động.
Thêm vào đó, khả năng áp lực về giá sẽ tăng thêm khi các công ty để người tiêu dùng gánh một phần chi phí chuyển đổi sang các nguồn năng lượng carbon thấp hơn trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tăng tốc. Ngoài ra, tâm lý e ngại lạm phát cao có thể ăn sâu vào tâm trí người Mỹ và khiến cuộc chiến của FED chặn đà giá tăng phi mã thậm chí còn khó khăn hơn.
Các nhà hoạch định chính sách của FED đang chờ dữ liệu mới về lạm phát trước khi ra quyết định trong tháng này. Dự kiến, Mỹ sẽ công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 14/3 tới, một trong những cơ sở quan trọng để FED cân nhắc lộ trình tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp chính sách vào các ngày 21 và 22/3 tới.
Dự đoán trước đó cho rằng, FED sẽ quay lại với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, đưa biên độ lãi suất cơ bản lên khung 5%-5,25%. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Kathy Bostjancic thuộc tổ chức dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide (Mỹ), có thể FED sẽ giữ nguyên mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, dựa trên thực tế nguồn cung lao động tăng thêm và tiền lương tăng chậm lại.
FED cũng có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến để phù hợp với những số liệu mạnh mẽ gần đây của nền kinh tế, cũng như sẵn sàng thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát lạm phát nếu cần thiết. Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng chính sách tiền tệ cần phải thắt chặt hơn, thì FED sẽ nâng cao mức tăng lãi suất.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Michael Feroli của J.P.Morgan, số liệu về thị trường lao động mới công bố đã vẽ một bức tranh phức tạp. Có dấu hiệu cho thấy tốc độ tuyển dụng lao động đã hạ nhiệt một chút, tăng trưởng tiền lương cũng ở mức vừa phải, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Những yếu tố hỗn hợp này đang khiến việc xác định các bước tiếp theo của FED trở nên khó khăn hơn.