Hội nghị Thượng đỉnh Pháp - Anh năm 2023 diễn ra ngày 10-3 tại thủ đô Paris (Pháp) đã thành công tốt đẹp, đạt mục đích hóa giải các bất đồng. Tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhận định, hội nghị này đánh dấu một khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước...
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị.
Hội nghị Thượng đỉnh Pháp - Anh năm 2023 nhận được sự quan tâm lớn, không chỉ bởi diễn ra lần đầu sau 5 năm, mà còn đánh dấu lần gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo Pháp và Anh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.
Tại hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đạt nhất trí trong nhiều vấn đề quan trọng, mà nổi bật là thỏa thuận tăng cường hợp tác chặt chẽ về vấn đề người di cư.
Theo thỏa thuận này, Anh sẽ hỗ trợ 480 triệu bảng (tương đương 577 triệu USD) trong vòng 3 năm cho Pháp để ngăn chặn người di cư vượt eo biển Manche giữa hai nước. Khoản hỗ trợ này phục vụ nhiều hoạt động, từ tuần tra tăng cường, sử dụng thiết bị bay không người lái cho tới vận hành các trung tâm tạm giữ người di cư trái phép ở miền Bắc nước Pháp. Về phần mình, Pháp cam kết sẽ triển khai thêm khoảng 500 nhân viên tuần tra bờ biển, đồng thời nâng cấp công nghệ giám sát.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, các quan chức hai nước cũng sẽ tăng cường phối hợp với các quốc gia nằm trong tuyến đường di cư mà các đường dây buôn người thường lựa chọn.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định, hai nhà lãnh đạo có chung quan điểm phải ngăn chặn hoạt động đưa người di cư vượt biển trái phép, đồng thời cho rằng thỏa thuận mới đã nâng hoạt động phối hợp song phương lên cấp độ cao nhất từ trước tới nay để cùng tháo gỡ những khó khăn chung.
Theo giới quan sát, việc chọn vấn đề quản lý người di cư làm viên gạch đầu tiên trong chặng đường hợp tác mới giữa Anh và Pháp là hợp lý. Với Thủ tướng Anh, việc ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche là một trong 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ lãnh đạo sau khi số người di cư đến vùng duyên hải phía Nam của xứ England đã tăng lên hơn 45.000 người vào năm ngoái, tức là tăng 500% trong 2 năm qua.
Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron trong suốt hội nghị đã nhiều lần khẳng định, “Anh và Pháp có mối liên hệ vận mệnh với nhau” và “đã đến lúc hai nước nên có khởi đầu mới”.
Trên tinh thần xích lại gần nhau, sự đồng thuận trong kiểm soát di cư bất hợp pháp chính là viên gạch đầu tiên khai thông lộ trình củng cố quan hệ song phương. Đây cũng là bước tiến vô cùng quan trọng trong bối cảnh quan hệ Anh - Pháp đã rạn nứt đáng kể từ sau khi Anh rời Liên minh châu Âu hồi năm 2016.
Phát biểu trên tàu Eurostar đến Paris, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh đây là khởi đầu của một “chương mới” trong mối quan hệ Pháp - Anh. Đáp lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mô tả cuộc tái ngộ là “một khoảnh khắc đoàn tụ, kết nối lại và là một sự khởi đầu mới”.
Mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn về lâu dài không chỉ toát ra ở những lời lẽ nồng nhiệt, mà còn biểu hiện qua nhiều hành động cụ thể. Ngoài vấn đề người di cư, lãnh đạo Anh và Pháp cũng chia sẻ các quan điểm về năng lượng và môi trường; đạt đồng thuận trong vấn đề an ninh, triển khai nhiều hợp tác trong lĩnh vực này trong đó có hợp tác phát triển vũ khí phòng không và tầm xa thế hệ mới...
Có thể thấy, Hội nghị Thượng đỉnh Pháp - Anh lần này đã xóa tan sương mù chính trị và ngoại giao trên eo biển Manche, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia chủ chốt của châu Âu.
Trong tháng này, Nhà vua Charles của Anh cũng sẽ tới Pháp trong chuyến thăm cấp Nhà nước chính thức đầu tiên kể từ khi thừa kế ngai vàng; tiếp tục củng cố hơn nữa mối quan hệ quan trọng giữa hai nước sau khi Anh rời Liên minh châu Âu.