Lạm phát tại Pháp trong tháng 2 vừa qua được ghi nhận ở mức 6,2% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi một tháng trước đó nền kinh tế của quốc gia này cũng phải chứng kiến mức tăng là 6,0%. Trong đó, giá cả thực phẩm ghi nhận mức tăng kỷ lục 14,5%.
Tốc độ lạm phát đã tăng nhẹ trở lại tại Pháp vào tháng 2 năm 2023 do giá thực phẩm và dịch vụ tăng nhanh. Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), giá các sản phẩm sẽ tăng trở lại khi kết thúc đợt khuyến mãi giảm giá của mùa đông và chi phí của các ngành dịch vụ cũng sẽ tăng tốc cùng với sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ vận tải.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ bước vào một năm đầy sóng gió
Theo khảo sát kinh tế nửa năm của Phòng thí nghiệm và tư vấn tài chính BpiFrance, có tới khoảng 65.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra bi quan hơn về năm 2023.
Bài viết xuất bản ngày 10/1 trên báo LeMonde.fr chia sẻ, theo ông Jean-Léry Lecornier, Giám đốc điều hành của Union des Forgerons, một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp có trụ sở tại vùng Essonne (ngoại ô thủ đô Paris), nhu cầu và tình hình vận hành của doanh nghiệp này nhìn chung là có nhiều tiến triển, nhưng những khó khăn trong năm tới mà doanh nghiệp này phải đối mặt là nỗi lo về chi phí năng lượng và lãi suất, làm sao phải duy trì được đủ mức ký quỹ để giữ cho hoạt động sản xuất ở trạng thái ổn định.
Ở phía tây nam nước Pháp, bà Christelle Comparin, Giám đốc một công ty xây dựng kết cấu tại vùng Lot-et-Garonne, cho biết thêm, ngay cả các đơn đặt hàng đã đạt đủ chỉ tiêu vẫn không thể nói rằng 2023 sẽ là một năm khởi sắc. Chi phí cho năng lượng phục vụ đã sản xuất tăng gấp ba lần.
Sau năm 2022 “không quá tệ”, ông Philippe Mutricy, Giám đốc nghiên cứu tại BpiFrance cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong giai đoạn có nhiều biến động. Có tới 4.590 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa với quy mô dưới 250 lao động đều tỏ ra quan ngại với những biến động của môi trường kinh tế ở thời điểm hiện tại, cũng như những khó khăn về nguồn cung và hóa đơn năng lượng.
Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là tốc độ tăng của chi phí năng lượng đang có xu hướng chậm lại rõ rệt trong tháng 2 vừa qua, ở mức 14% so với 16,3% của cùng kỳ năm ngoái.
Thói quen tiêu dùng mới trong thời kỳ lạm phát
Một năm trước, vấn đề lạm phát trong lĩnh vực lương thực-thực phẩm bắt đầu sôi nổi trong các cuộc tranh luận. Các nhà sản xuất và phân phối sau đó đã đạt được thống nhất khi thương lượng mức tăng giá trung bình khoảng 3,5%. Tuy nhiên, trong nhiều tháng tiếp theo, bảng giá sản phẩm tại các siêu thị vẫn tiếp tục “nhảy số”, và nay đang ở mức 14,5% - cao đột biến hiếm khi thấy từ trước tới nay. Có thể nói, thực phẩm đã thực sự trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra lạm phát, vượt xa năng lượng.
Năm nay, các cuộc thảo luận về thuế quan cho năm 2023 giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ vẫn khiến người tiêu dùng sẽ phải mở rộng hầu bao hơn nữa, với lạm phát dự kiến sẽ tăng đột biến trong mùa xuân này.
Tình hình lạm phát đã đè nặng lên ngân sách của các hộ gia đình, đặc biệt nhóm người nghèo và thu nhập thấp là những thành phần dễ bị tổn thương nhất hiện nay.
Theo phân tích dữ liệu của BPCE Digital & Payments Barometer dựa trên các giao dịch thông qua thẻ ngân hàng, đối mặt với tình trạng giá tăng lên tới 6% vào tháng 1/2023, thậm chí 6,2% vào tháng 2 vừa qua, người Pháp đã thay đổi hành vi tiêu dùng, tiếp cận chi tiêu theo hướng lựa chọn hơn, thận trọng hơn, nhằm cân đối ngân sách.
Điều này dẫn đến một sự thay đổi trong việc mua sắm thực phẩm với mức giảm lớn nhất (9,0%) trong tất cả các khoản chi tiêu. Người Pháp chi trả ít tiền hơn và ít đi siêu thị hơn: số lượng giao dịch giảm 5,0%. Người tiêu dùng cũng ít có nhu cầu với các thiết bị vốn “nở rộ” trong đại dịch Covid-19. Mua sắm các trang thiết bị gia dụng ghi nhận mức giảm 2,0%, trong khi dụng cụ và vật liệu bài trí sân vườn giảm 8,0%. Ngoài ra, người dân nước này cũng điều chỉnh thói quen sử dụng điện thoại hoặc mạng, tiết kiệm được 3,0% so với những khoản chi tiêu tương tự như trước đây.
Phát biểu trong một chương trình trên kênh BFMTV phát sóng ngày 9/3, ông Thierry Cotillard, Chủ tịch Tập đoàn Les Mousquetaires, công ty mẹ của hệ thống đại siêu thị và điểm phân phối Intermarché, cho biết, “một số người đã phải trộm cắp thực phẩm trên các gian hàng” do giá cả leo thang, và “tình hình này đang có xu hướng gia tăng”.
Tình trạng không mấy đẹp đẽ này trước đây không phải không có, nhưng thực trạng như hiện này đã đã buộc hệ thống phân phối bán lẻ này phải “tăng cường sự hiện diện của các nhân viên an ninh”.
Kỳ vọng lạm phát sẽ giảm một nửa trong năm nay
Phát biểu trong một chương trình trên kênh BFMTV phát sóng ngày 10/3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, ông François Villeroy de Galhau ước tính rằng tình trạng tăng giá sẽ giảm cường độ trong những tháng tới, lạm phát có thể giảm một nửa vào cuối năm nay trước khi quay trở lại mức 2% vào mùa đông năm 2024 hoặc 2025.
Theo Thống đốc, việc “giá năng lượng tăng vẫn là một chủ đề nóng” đối với các công ty. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, sự cải thiện về giá năng lượng sẽ góp phần rất lớn vào việc kiềm chế lạm phát, vấn đề mà giá cả lương thực-thực phẩm và năng lượng đóng vai trò nguyên nhân chủ yếu hiện nay.
Chia sẻ chung quan điểm với người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Pháp, ông Thierry Cotillard, Chủ tịch Tập đoàn Les Mousquetairess, mong muốn chung tay với các nhà phân phối trên toàn quốc nhằm đàm phán với các nhà sản xuất trong việc điều chỉnh lại giá sản phẩm từ tháng 6 trở đi.
Giá cả sản phẩm muốn hợp lý hơn với hầu bao của người tiêu dùng phải đi kèm với mức giảm của chi phí sản xuất, vốn là khâu phụ thuộc rất nhiều vào chi phí nguyên liệu, năng lượng, đóng gói và vận chuyển.
Việc điều chỉnh giá này đòi hỏi mất một thời gian để các chi phí có thể trở nên ổn định hơn. Trong một nỗ lực chung, các nhà phân phối, nhà sản xuất và nhà cung cấp nguồn cung nguyên liệu sẽ từng bước tiến hành các chính sách giá phù hợp hơn để cùng nhau hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát vào cuối mùa đông năm nay.