Gần 2 năm sau khi tuyên bố thành lập quan hệ Đối tác an ninh tăng cường 3 bên (AUKUS), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa chính thức công bố kế hoạch hợp tác đầu tiên trong dự án chung kéo dài nhiều thập kỷ. Đây sẽ là bước đi giúp Mỹ - Anh - Australia củng cố chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh tại khu vực này đang diễn ra gay gắt.
Theo nội dung tuyên bố chung giữa 3 nhà lãnh đạo được thông báo ngày 14-3 vừa qua, giai đoạn đầu của dự án, Mỹ sẽ triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đến Perth (Australia) bắt đầu từ năm 2027. Anh sẽ gửi một tàu ngầm lớp Astute tới Australia sau vài năm. Ngoài ra, năng lực chế tạo của Anh và Australia sẽ được phát huy tối đa để tạo ra một tàu ngầm lớp mới SSN-AUKUS được đóng tại Anh và Australia kết hợp với công nghệ tiên tiến của Mỹ. Những chiếc tàu đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia dự kiến sẽ hoạt động vào đầu những năm 2030. Trong khi đó, Anh lên kế hoạch chế tạo 8 tàu ngầm và sẵn sàng mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 19 chiếc trong tương lai.
Ra đời vào tháng 9-2021, AUKUS có ý nghĩa lớn đối với cả Mỹ, Anh và Australia, cho thấy khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn tiếp tục là trọng tâm chính sách đối ngoại của những quốc gia này. Với vị trí địa chính trị quan trọng, giáp với Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, Australia được xem như một bàn đạp lý tưởng để triển khai sức mạnh hải - không quân Mỹ vào các chuỗi đảo phía Đông Ấn Độ Dương. Trên thực tế, ngay từ năm 2012, Washington đã dần tăng quân số thủy quân lục chiến tại xứ sở Chuột túi từ 200 lên thành 2.500 binh sĩ vào năm 2019. Các đợt tập trận chung Mỹ - Australia cũng gia tăng. Căn cứ quân sự Darwin tại Australia đã được mở rộng và nâng cấp dung tích các kho chứa nhiên liệu. Với các thỏa thuận của AUKUS, tàu ngầm của Mỹ và Anh sẽ được cập cảng quân sự Perth. Điều này phù hợp với tham vọng của “chú Sam” nhằm đưa Australia thành một điểm trung chuyển tàu ngầm, cung cấp các dịch vụ, bảo trì, tu dưỡng các loại chiến hạm trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ có thể rải đều lực lượng từ các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc tới Australia tại Thái Bình Dương.
Đối với Anh, tham gia AUKUS thể hiện vai trò đang thay đổi của nước này trên thế giới, phù hợp với nỗ lực nhằm thúc đẩy “Nước Anh toàn cầu” sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), tạo cơ sở cho tham vọng “xoay trục” về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà London đã đưa ra trong Báo cáo tổng thể về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và đối ngoại được công bố tháng 3-2021. Thông qua AUKUS, Anh hy vọng sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động của nhóm bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).
Còn với Australia, trở thành thành viên của AUKUS đồng nghĩa nước này có được sự bảo đảm an ninh từ Mỹ. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc đã đẩy Australia ngả hẳn về phía xứ Cờ hoa. Các thỏa thuận trong AUKUS sẽ giúp hải quân Australia gia tăng cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho nước này để sẵn sàng đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực.
Nhiều phân tích nhận định rằng, thời gian tới, AUKUS cùng với nhóm bộ tứ sẽ tạo nên thế gọng kìm ở Thái Bình Dương. Trong khi nhóm bộ tứ được đánh giá cao đối với an ninh trên biển và các thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu thì AUKUS lại là một cơ chế “tiểu đa phương” với tham vọng hiện thực hóa các biện pháp phòng thủ, cung cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo. Cơ chế này sẽ là trụ cột cân bằng quyền lực, nhất là với những cam kết sâu rộng về việc lấp đầy những lỗ hổng trong chiến lược an ninh của Mỹ, Anh, Australia tại châu Á - Thái Bình Dương.