Hướng tới một xã hội bình đẳng giới:
Trong nhiều năm qua, mặc dù thế giới đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ chính trường tới kinh tế, thể thao và ngay trong các gia đình. Sự phân biệt khiến phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ hay những công việc không lương khác, điều đó gây ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển sự nghiệp của phái yếu.
Theo thống kê của Liên minh Châu Âu, có 92% phụ nữ thường xuyên đảm nhận việc nấu ăn trong gia đình; trong khi đó, chỉ có 60% nam giới sẵn sàng làm việc này. Về chăm sóc con cái, phụ nữ cũng dành nhiều thời gian hơn rất nhiều so với phái mạnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nam giới có xu hướng được tuyển dụng vào các công việc được trả lương cao hơn như tài chính, bảo hiểm, xây dựng hoặc công việc có rủi ro cao như khai thác mỏ. Trong khi đó, dù làm việc nhiều giờ hơn nam giới mỗi tuần, nhưng thu nhập của phụ nữ luôn thấp hơn, do phần nhiều thời gian họ dành để thực hiện những "công việc không được trả lương".
Ngoài việc nhà, trọng trách chăm sóc con cái cũng khiến phụ nữ có xu hướng chọn những công việc có thời gian làm việc linh hoạt hoặc ngắn hơn. Điều này càng làm tăng mức độ bất bình đẳng về thu nhập cho những chị em phải nghỉ việc để làm mẹ và nuôi con. Sự chênh lệch này gây ra nhiều hệ lụy khác cho phụ nữ. Hậu quả trực tiếp là khả năng tiếp cận quyền lợi chăm sóc sức khỏe, phúc lợi, giáo dục và an ninh tài chính kém hơn, đặc biệt là khi về già.
Như trong đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ ở châu Âu (làm những công việc được trả lương thấp tại nhà, tạm thời hoặc bán thời gian) không thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ thu nhập do chính phủ tài trợ, vì công việc của họ không nằm trong danh mục được trợ cấp. Các tác động khác bao gồm bất bình đẳng trong phấn đấu sự nghiệp, khoảng cách về hiểu biết tài chính và về khả năng tiếp cận các nguồn lực để xây dựng tài sản và tích lũy của cải suốt đời. Điển hình là số phụ nữ nắm giữ các vai trò lãnh đạo ngày càng ít (chưa đến 8% số công ty hàng đầu trên toàn thế giới có giám đốc điều hành là nữ).
Ở châu Á, tình trạng bất bình đẳng trong gia đình còn trầm trọng hơn rất nhiều. Tại Nhật Bản, dù bình đẳng vợ - chồng được thừa nhận về mặt pháp lý song không có nghĩa là vị trí của người vợ trong gia đình được xem trọng như người chồng. Ở một số vùng nông thôn tại Nhật Bản, nam giới vẫn giữ quyền lực trong mọi lĩnh vực của đời sống, như việc người chồng và con trai được ưu tiên phục vụ trước trong bữa ăn. Khi người chồng tiếp khách trong nhà, người vợ dành thời gian phục vụ và phải ăn uống ở trong bếp... Trong sinh hoạt hằng ngày, thường là những người vợ giúp đỡ chồng mặc áo khoác, đi giày, đội mũ. Quan hệ về mặt tinh thần của phần lớn các cặp vợ chồng Nhật Bản cũng khá tẻ nhạt, ít khi tâm sự với nhau...
Điều đáng nói là, dù phụ nữ tại nhiều khu vực trên thế giới phải đảm nhiệm công việc chăm sóc gia đình và làm việc nhà gần gấp đôi so với nam giới, nhưng họ vẫn trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong số vụ bạo lực gia đình, 76,4% nạn nhân là phụ nữ. Nam giới chiếm 75,9% trong số thủ phạm hành hung. Tại châu Âu cũng vậy, nhất là trong thời gian đại dịch bùng phát phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, nhiều nước như Pháp, Lithuania, Ireland hay Tây Ban Nha đã ghi nhận số vụ bạo lực gia đình tăng đáng kể.
Để thu hẹp khoảng cách về giới trong gia đình, nhiều quốc gia đề ra chính sách nhằm tăng cường sự bình đẳng. Trong một hội nghị của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) về chính sách gia đình được tổ chức gần đây, Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực Đông Âu và Trung Á, bà Florence Bauer đã nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc phá bỏ những rào cản ngăn trở phụ nữ và nam giới có được sự nghiệp mà họ muốn. Ngoài quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, các chính sách gia đình nên bao gồm chế độ nghỉ phép được trả lương cao cho phụ nữ, trợ cấp chăm sóc và luật chống phân biệt đối xử bảo vệ nhân viên đang mang thai, cũng như sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt cho nhân viên, không gian dành riêng tại nơi làm việc cho nhân viên đang cho con bú và các cơ sở chăm sóc trẻ em”.
Bằng chứng cho thấy, những chính sách như vậy - cả ở cấp quốc gia và những chính sách do khu vực tư nhân thực hiện - là công cụ mạnh mẽ để thay đổi tình trạng phân biệt đối xử về giới. Khi nam giới đảm nhận nhiều "công việc không lương" hơn, phụ nữ sẽ dễ dàng hiện thực hóa khát vọng nghề nghiệp và ý định sinh con của họ. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi chính sách gia đình được áp dụng tại nơi làm việc khi tinh thần của nhân viên tăng lên và mức độ vắng mặt, doanh thu và chi phí tuyển dụng thấp hơn, dẫn đến năng suất và doanh thu cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các vấn đề giới, bình đẳng giới đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nhằm nâng cao nhận thức trong gia đình. Đưa nội dung giáo dục giới tính vào nhà trường cũng là một biện pháp giúp học sinh có ý thức trách nhiệm trong xây dựng gia đình một cách bền vững sau này.
Nhìn chung, hiểu biết về tầm quan trọng của bình đẳng giới sẽ mang lại hạnh phúc hơn cho mỗi gia đình, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội ngày một văn minh, tiến bộ hơn.