Châu Á gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

14:57 - Thứ Hai, 17/04/2023 Lượt xem: 5562 In bài viết

Châu Á trong đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Điều này khiến giới chức y tế các nước quan ngại về một làn sóng dịch bệnh mới tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người dân đang chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống.

Nhật Bản vẫn duy trì khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Ảnh: Japan Times

Theo các báo cáo, Ấn Độ đã có hơn 10.000 ca nhiễm trong ngày 13-4, cao nhất kể từ tháng 8-2022. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 ở Indonesia đã vọt lên cao nhất trong 4 tháng, hiện ở mức gần 1.000 ca mỗi ngày. Singapore ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng gần gấp đôi trong tuần cuối của tháng 3, từ xấp xỉ 14.500 ca lên 28.000 ca, cao nhất kể từ đầu năm. Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức tương đối cao, khoảng 10.000 trường hợp mỗi ngày. Các quốc gia vành đai châu Á như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran… cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng nhanh.

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 đang tăng nhanh nhất tại Đông Nam Á (tới 481%). Trên toàn cầu, tổ chức này ghi nhận tổng cộng 3 triệu trường hợp mắc mới Covid-19, hơn 23 nghìn trường hợp tử vong trong vòng 1 tháng qua. Giới chức y tế các nước nhận định, làn sóng lần này chủ yếu do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - một chủng Omicron có khả năng lây lan cao. Theo WHO, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron hiện đã xuất hiện tại 20 nước, chủ yếu là Ấn Độ. XBB.1.16 gây ra các triệu chứng tương tự các biến thể trước đó, như sốt, khó thở và ho. Tuy độc lực của XBB 1.16 không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi hay người suy giảm hệ thống miễn dịch.

Nhằm sớm ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới, nhiều nước đã tăng cường xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng dịch trở lại. Tại Ấn Độ, dù các bệnh viện, phòng khám tư nhân chưa chứng kiến tình trạng nhập viện tăng đột biến, nhưng chính phủ nước này đã yêu cầu các đơn vị y tế diễn tập ứng phó dịch bệnh. Một loạt bang của quốc gia Nam Á này đã ban hành trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.

Trong khi đó, Indonesia dù khẳng định tình hình dịch đang được kiểm soát tốt, nhưng cũng yêu cầu người dân tiêm mũi tăng cường thứ hai. Còn Nhật Bản vẫn tỏ ra khá thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, ưu tiên kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hiện Nhật Bản vẫn duy trì khuyến cáo đeo khẩu trang trong một số trường hợp như đi khám bệnh, đến thăm các cơ sở y tế, viện dưỡng lão hoặc tham gia các phương tiện giao thông công cộng...

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cảnh báo, một nguy cơ lớn của đợt dịch lần này nằm ở việc người dân thờ ơ với các biện pháp phòng ngừa, chủ yếu do tâm lý chủ quan. Thực trạng này không chỉ khiến công tác truy vết, kiểm soát lây lan kém hiệu quả mà việc đánh giá mức độ bùng phát của dịch cũng thiếu chính xác. Một số quốc gia còn có biểu hiện lơ là trong giám sát bộ gen vi rút, khiến việc nắm bắt các biến thể mới của SARS-CoV-2 trở nên khó khăn.

Mặt khác, do đa số người dân trong khu vực đã được tiêm phòng hoặc mắc Covid-19 trước đó, hầu hết các nước châu Á hiện đang trên đà dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để mở cửa kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Lào… đang bước vào mùa lễ hội đầu năm, hoặc chuẩn bị xúc tiến các đợt kích cầu du lịch quy mô lớn. Tất cả những diễn biến này đều tạo ra nguy cơ tiềm ẩn.

Nhìn chung, việc số ca nhiễm tăng nhanh trở lại cho thấy Covid-19 vẫn là mối lo ngại, đòi hỏi sự thận trọng. Trong giai đoạn “nhạy cảm” hiện nay, mỗi người cần giữ thái độ thận trọng đúng đắn, đồng thời tự áp dụng những biện pháp thích hợp để bảo vệ mình và những người xung quanh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top